Xâm hại tình dục trẻ em: Nỗi đau và trách nhiệm (kỲ 2)
Kỳ 2: Hệ lụy từ xâm hại tình dục trẻ em*
Trẻ em bị xâm hại do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đều gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý, sự phát triển của trẻ…
Nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.200 em trẻ em bị xâm hại, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại; cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, con số này ở các bé trai là 6; có tới 93% kẻ xâm hại là người các bé quen biết và 47% kẻ xâm hại ở trong gia đình hoặc họ hàng.
Thực tế cho thấy, nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục thường sống trong hoàn cảnh mồ côi, cha mẹ bất hòa, ly thân, ly hôn, không quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của con, nuông chiều hoặc không nghiêm khắc trong việc dạy dỗ, quản lý con em, để trẻ thường xuyên ở nhà một mình… dễ trở thành mục tiêu của tội phạm. Bên cạnh đó, một số trẻ em khi bị cha mẹ la mắng đã nảy sinh tâm lý buồn chán, sẵn sàng bỏ nhà đi lang thang, tụ tập, ăn ở, sinh hoạt chung với nhau. Trong khi đó, trẻ lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới, chưa nêu cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả. Hơn nữa, do thiếu hiểu biết pháp luật, một số nạn nhân thuận tình, chủ động quan hệ yêu đương với đối tượng. Ngoài những nguyên nhân trên thì việc xuất hiện những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm đã làm tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại.
Trẻ em hào hứng tham gia lớp học kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục tại Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh. |
Theo nhận định của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, các đối tượng thường lợi dụng sự quen biết, gần gũi với trẻ em hoặc gia đình, sự ngây thơ, non nớt của các em, sự thiếu quan tâm của gia đình để thực hiện hành vi phạm tội. Các vụ giao cấu với trẻ em thường xuất phát từ mối quan hệ quen biết, tán tỉnh, yêu đương, dụ dỗ, rủ rê qua mạng xã hội như facebook, zalo… Cá biệt và đau lòng hơn, do trình độ nhận thức pháp luật kém, tâm sinh lý lệch lạc, đối tượng đã thực hiện hành vi hiếp dâm chính con, em, cháu của mình. Vì mặc cảm nên nhiều nạn nhân không trình báo với cơ quan chức năng. Đáng báo động là gần đây đã xảy ra những vụ việc mà thủ phạm một mình phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng là giết người và hiếp dâm trẻ em.
Tổn thương tâm lý nặng nề
Trong 5 năm (2012-2016), trên địa bàn tỉnh phát hiện 246 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái, 247 nạn nhân bị xâm hại; trong đó có 2 vụ giết người, hiếp dâm trẻ em, 120 vụ hiếp dâm trẻ em, 1 vụ cưỡng dâm trẻ em, 88 vụ giao cấu với trẻ em, 35 vụ dâm ô đối với trẻ em. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ, 29 đối tượng xâm hại trẻ em, 25 em bị xâm hại.
“Khi phát hiện hoặc nghi ngờ con em mình bị xâm hại tình dục, cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần trình báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để cơ quan điều tra có biện pháp thu thập chứng cứ tại hiện trường vụ án, lấy lời khai nhân chứng. Trong một số trường hợp, do không hiểu biết, người nhà đã đưa nạn nhân đi tắm, giặt quần áo làm mất đi các dấu vết, chứng cứ kẻ phạm tội để lại, gây khó khăn cho quá trình điều tra”
Luật sư Lại Nam Hà, Văn phòng Luật sư Tân An, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk.
|
Thạc sĩ tâm lý học Mai Quang Sơn, giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk khẳng định, hành vi xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, trẻ bị giảm sút sức khỏe, suy nhược thần kinh, hoảng sợ, lo âu, năng lực học tập sa sút. Nghiêm trọng hơn, hành vi này có thể khiến trẻ bị sốc, ám ảnh, chấn thương tâm lý kéo dài suốt cả cuộc đời, thậm chí trẻ có thể tìm đến cái chết.
Có thể thấy, hầu hết trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều có các biểu hiện lo âu, hoảng sợ, xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, hay khóc lóc. Trẻ sống thu mình, ít nói, ngại giao tiếp, có biểu hiện trầm cảm, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, ứng xử. Cá biệt hơn, trẻ có hành vi tự hủy hoại cơ thể như nghiện rượu, ma túy, mắc chứng nghiện tình dục… Vì vậy, cha mẹ, người thân không nên la mắng, xa lánh và tỏ thái độ miệt thị với trẻ mà cần gần gũi, động viên, trò chuyện nhằm trấn an tâm lý cho trẻ. Bên cạnh đó, cần hướng cho trẻ tham gia các hoạt động học tập, sinh hoạt nhóm, ngoại khóa, dã ngoại, công tác xã hội lành mạnh, vui vẻ, thiết thực. Trong trường hợp trẻ bị chấn thương tâm lý, trầm cảm, phụ huynh nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia.
(Còn nữa)
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc