Chuyện về Mẹ Việt Nam Anh hùng có 4 liệt sỹ
Trong dịp về công tác tại huyện Buôn Đôn chúng tôi được biết gia đình bà Phan Thị Mỹ Lệ (thôn Hà Bắc, xã Ea Wer), là người con duy nhất của liệt sỹ Phan Cước, cũng là cháu nội duy nhất của liệt sỹ Phan Đích và Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chinh.
Trong gian nhà nhỏ, bà Lệ đặt 4 tấm bằng Tổ quốc ghi công và bằng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở vị trí trang trọng nhất. Thắp nén hương tri ân cho thân nhân, bà Lệ kể về ông bà nội, bố và các chú của mình với niềm xúc động dâng trào.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Phan Đích (sinh năm 1913) là cán bộ cơ sở cách mạng tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Không may bị địch bắt, ông bị chúng tra tấn dã man nhằm khai thác cơ sở cách mạng, nhưng ông vẫn luôn giữ khí tiết kiên trung của người chiến sĩ cộng sản. Không lấy được thông tin gì, cuối cùng chúng đã xử bắn ông vào năm 1963.
Ba năm sau đó, tháng 2-1966, ông Phan Cước (sinh năm 1931) lên đường nhập ngũ. Trong trận chiến với kẻ thù, ngày 9-3-1969, liệt sỹ Phan Cước đã hiến trọn máu xương cho Tổ quốc. Ông ra đi, để lại người vợ trẻ là Nguyễn Thị Ngận đang mang thai đứa con gái đầu lòng được 2 tháng.
Bà Phan Thị Mỹ Lệ lần giở thông tin về các liệt sỹ trong gia đình. |
Nối tiếp truyền thống cha anh, các em của liệt sỹ Phan Cước là Phan Cân và Phan Lang cũng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ lần lượt hy sinh khi tuổi vừa đôi mươi, chưa có ai lập gia đình...
Cũng như nhiều người phụ nữ trong thời chiến, cuộc đời bà Lê Thị Chinh chất chồng nỗi đau mất người thân. Chưa kịp nguôi về nỗi đau mất chồng, bà Chinh liên tục nhận được hung tin 3 người con cũng mãi nằm lại trên chiến trường, chưa tìm được hài cốt... Ghi nhận thành tích của gia đình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, năm 1997, mẹ Lê Thị Chinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Với người con dâu của Mẹ Chinh, bà Nguyễn Thị Ngận cũng chịu nhiều hy sinh mất mát. Nuốt nỗi đau mất chồng vào trong lòng, bà tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng rồi bị địch bắt giam, đày ra Côn Đảo khi con gái mới được 7 tháng tuổi… Năm 1973, bà Ngận được trả tự do về sống bên con gái, tuy nhiên những đòn tra tấn tàn độc của kẻ thù khiến bà suy kiệt sức khỏe và đã ra đi sau những cơn đau liên tiếp hành hạ.
Tuổi thơ “ăn nhờ, ở đợ” của bà Lệ may mắn nhất là thời gian sống nhờ tại Chùa Bồ Đề (Quy Nhơn). Bà Lệ được tạo điều kiện học y sĩ đa khoa, đây cũng là điều kiện giúp bà về công tác tại Trạm xá xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Năm 1981, bà Lệ cùng gia đình lên vùng kinh tế mới ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. Nhờ năng nổ, nhiệt tình, lại có kinh nghiệm công tác ở quê nhà nên bà được địa phương tín nhiệm và giao nhiều nhiệm vụ khác nhau: cán bộ y tế; cán bộ Đoàn, phụ nữ… Cuộc sống vất vả, khổ cực nhưng vợ chồng bà luôn nỗ lực làm tốt công việc được giao.
Bà Ngô Lan Anh, Chủ tịch UBND xã Ea Wer đánh giá: Gia đình bà Phan Thị Mỹ Lệ là một trong những thân nhân liệt sỹ tiêu biểu trên địa bàn xã. Không chỉ gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bà Lệ còn chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy 4 người con khôn lớn, trưởng thành.
Về phần mình, mấy mươi năm trôi qua, bà Lệ vẫn luôn đau đáu một điều đó là làm sao biết thông tin về phần mộ của cha và các chú, ít nhất là được một lần trực tiếp hương khói để họ thêm ấm lòng…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc