Huyện Krông Búk tích cực triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và Zika
Từ đầu năm đến nay, số mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Krông Búk giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước, song, khoảng gần 1 tháng nay số ca bệnh SXH đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt nơi đây còn là địa phương có trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ nghi do vi rút zika. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn đã chủ động triển khai những biện pháp ứng phó đối với các dịch bệnh này.
Hiện nay, xã Cư Kpô là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất của huyện Krông Búk với 11 ca, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, đội phòng chống dịch ở các thôn, buôn trên địa bàn xã đã phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương đến tận nhà hướng dẫn cho bà con cách xử lý môi trường phòng chống dịch bệnh. Bằng cách trực tiếp “cầm tay chỉ việc” của đội phòng chống dịch đã giúp người dân trên địa bàn hiểu và tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Bà Hồ Thị Lan (thôn Kty 1, xã Cư Kpô) bộc bạch: Qua hướng dẫn của cán bộ y tế, gia đình tôi cũng như hàng xóm xung quanh đã biết cách diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh SXH và Zika như: đậy kín dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước ở quanh nhà, ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày để phòng muỗi đốt...
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Krông Búk tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống bệnh SXH, vi rút Zika.... |
Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, đến thời điểm này, toàn huyện có 23 trường hợp mắc SXH ở 7 xã với 2 ổ dịch, trong đó, Pơng Đrang, Cư Pơng, Cư Kpô là những địa phương có số mắc cao. Bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế Krông Búk cho biết: So với cùng kỳ năm 2016, số mắc SXH giảm 70%, nhưng không vì vậy mà địa phương lơ là, mất cảnh giác. Trên thực tế, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai các biện pháp phòng chống bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika trên địa bàn: củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện và các xã; duy trì đội xung kích phòng chống SXH, Zika ở 106 thôn, buôn. Đồng thời, Trung tâm cũng đã tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn; tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp tục duy trì hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng, trong đó chú trọng việc hướng dẫn cho người dân cách phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm, nhất là SXH và bệnh do vi rút Zika.
Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát chỉ số côn trùng, chỉ số bệnh nhân tại các địa bàn dân cư, xử lý môi trường, phun hóa chất chủ động ở những vùng trọng điểm… cũng được Trung tâm Y tế huyện tích cực triển khai. Riêng với bệnh do vi rút Zika, được sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Trung tâm Y tế huyện đang tăng cường điều tra, kiểm soát, tiến hành lấy mẫu huyết thanh của người dân ở những vùng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đưa đi xét nghiệm nhằm phát hiện sớm và hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
... và trực tiếp hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường để phòng bệnh. |
Có thể thấy, cùng với sự chủ động của chính quyền địa phương và ngành Y tế, để ngăn chặn dịch bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika trên địa bàn không bùng phát, lây lan trên diện rộng, cần có sự tham gia quyết liệt từ chính người dân. Bởi, theo Bác sĩ Trần Sơn Thành, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, bệnh do vi rút Zika và SXH là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chu trình truyền bệnh liên quan đến muỗi. Đối với bệnh do vi rút Zika, biến chứng lớn nhất là có thể gây đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mang thai nhiễm vi rút Zika. Còn bệnh SXH có thể dẫn đến một số biến chứng nặng như: tình trạng xuất huyết nặng ở phủ tạng, phù não cấp, suy tim và rối loạn tuần hoàn, suy thận… có thể dẫn đến tử vong. Tuy mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau nhưng hai căn bệnh này có những biểu hiện lâm sàng khá giống nhau và đều chưa có thuốc đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động phối hợp tốt với ngành Y tế trong công tác phòng, chống bệnh.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc