Multimedia Đọc Báo in

Khắc ghi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

11:16, 05/07/2017

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã quan tâm, đóng góp nguồn lực cùng chăm lo cho đối tượng chính sách. Nghĩa cử ấy đã phần nào bù đắp sự hy sinh, mất mát và làm ấm lòng những gia đình người có công với cách mạng.

Cứ vào dịp 27-7 hằng năm, khi cả nước cùng hướng về những đối tượng chính sách có công với tấm lòng tri ân sâu sắc, trong lòng Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Lục ở thôn 4, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cùng gia đình lại đau đáu, nặng trĩu niềm xót thương 2 người con là Hoàng Viết Nhi (hy sinh năm 1966) và Hoàng Viết Cầu (hy sinh năm 1972) đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Sẻ chia với những mất mát, sự hy sinh to lớn ấy, tháng 12-2014, Nhà nước đã phong tặng mẹ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Vào dịp 27-7-2015, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã nhận phụng dưỡng mẹ với mức 1,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Mẹ còn được hỗ trợ sửa chữa nhà ở từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của TP. Buôn Ma Thuột, xã Ea Tu và nguồn vốn theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 6-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Vào dịp lễ, Tết hằng năm, Mẹ Lục đều nhận được sự thăm hỏi, động viên, tặng quà của các cấp, ngành, địa phương và bà con lối xóm.

Đại diện các đơn vị đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Lục.
Đại diện các đơn vị đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Lục.

Những ngày này dù khá bận rộn nhưng bà Hoàng Thị Lỳ - vợ liệt sỹ (67 tuổi, dân tộc Nùng) ở thôn 4, xã Ea Tu rất vui vì căn nhà Tình nghĩa do UBND xã Ea Tu vận động Công ty ô tô An Phước hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng sắp sửa hoàn thành, bàn giao đúng dịp kỷ niệm 27-7. Ông Trương Văn Thảy (sinh năm 1942) – chồng bà đã hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc khi con gái đầu gần 2 tuổi và con gái thứ hai mới sinh được 50 ngày. Trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, một mình bà nuôi 2 con nên người và lo cho con yên bề gia thất. Tài sản của gia đình không có gì ngoài 1 sào đất và căn nhà cũ do người em trai mua cho, sau bao năm đã xuống cấp nhưng chưa có điều kiện sửa chữa lại nay được xây mới.

TP. Buôn Ma Thuột hiện có trên 10.000 đối tượng chính sách, người có công, trong đó có 3.020 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng. Để giải quyết chính xác, kịp thời những tồn đọng sau chiến tranh, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xác nhận, giải quyết cho các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi. Các chế độ, chính sách được chi trả đúng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để hộ chính sách ổn định cuộc sống.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã huy động các nguồn lực trong xã hội cùng chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công. Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 6 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 158 căn nhà Tình nghĩa, trao tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; các đơn vị, doanh nghiệp đã nhận phụng dưỡng 19/19 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Các xã, phường, tổ chức đoàn thể, đều có nhiều hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách có công.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.