Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

13:19, 17/07/2017

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ.

 Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã hướng dẫn các địa phương tiến hành bình chọn, rà soát, xét công nhận người có uy tín; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS bảo đảm quy trình và thời gian. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 6.056 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có 1.018 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được công nhận và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Người có uy tín ở buôn Ea Kdruôl, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar gặp gỡ, trò chuyện với người dân trong buôn.
Người có uy tín ở buôn Ea Kdruôl, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar gặp gỡ, trò chuyện với người dân trong buôn.

 

 
“Để nâng cao hơn nữa vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, thời gian tới, tỉnh quan tâm thăm hỏi, động viên người có uy tín, tạo điều kiện cho họ giao lưu, học tập kinh nghiệm; đồng thời, mong muốn Trung ương có cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù nhằm phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS” 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh

Để người có uy tín phát huy được vai trò của mình, trong 5 năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức 70 cuộc hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương… cho người có uy tín. Bên cạnh đó, người có uy tín còn được cấp phát Báo Đắk Lắk, Báo Dân tộc và Phát triển; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật ở vùng DTTS… với tổng kinh phí trên 1,57 tỷ đồng. Hằng năm, tổ chức nhiều đoàn người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh nhằm tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Qua đó, các già làng, trưởng buôn, người có uy tín phấn khởi, bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đóng góp ý kiến, góp phần ổn định tình hình chung của địa phương.

Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm hỗ trợ người có uy tín thông qua các hoạt động như giúp đỡ gia có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật; thăm hỏi các dịp lễ, Tết; hỗ trợ con em học văn hóa, học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; các ban, ngành, đơn vị đều có kế hoạch bồi dưỡng cho người có uy tín nhằm bố trí vào các tổ chức xã hội, tổ hòa giải, ban tự quản các thôn, buôn hoặc cơ cấu vào Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp… từ đó nâng cao uy tín, phát huy vai trò của họ trong công tác vận động quần chúng, bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư…

Ông Y Kell Bkrông, người có uy tín ở thôn 1, xã Tân Lập, huyện Krông Búk bày tỏ: “Thời gian qua, tỉnh cũng như địa phương đã có sự quan tâm, động viên kịp thời để người có uy tín phát huy vai trò của mình. Tuy nhiên, tôi rất mong muốn các cấp, ngành thường xuyên tổ chức cho đoàn người có uy tín được tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế, giúp người có uy tín nắm bắt kịp thời các mô hình mới, cách làm hay, cũng như các tiến bộ kỹ thuật, thị trường để về tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con làm ăn hiệu quả hơn”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.