Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện giảm nghèo bền vững: Cần giải quyết bài toán về vốn

11:17, 05/07/2017

Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến 2020, trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm Đắk Lắk giảm 2,96% hộ nghèo. Tuy nhiên để giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tuy công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, song có thể thấy, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao do những rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường…, nhất là các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Ở một số nơi, người nghèo, xã nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.

Dạy nghề may công nghiệp miễn phí cho nữ lao động nông thôn tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).
Dạy nghề may công nghiệp miễn phí cho nữ lao động nông thôn tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 76.434 hộ nghèo, chiếm 17,83%; 41.377 hộ cận nghèo, chiếm 9,65% so với tổng số hộ. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao: Lắk 50,24%; Ea Súp 48,63%; M’Đrắk 46,33%; Krông Bông 38,95%… Bên cạnh đó, hộ nghèo còn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Ông Y Bang Hđơk, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, với tỷ lệ hộ nghèo cao, đất đai bạc màu, khí hậu khắc nghiệt, khả năng tiếp cận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên công tác giảm nghèo của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Để giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tận dụng diện tích ao hồ, đập thủy lợi, thủy điện để nuôi trồng thủy sản, phát huy tiềm năng du lịch, chú trọng đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Nhưng để làm được điều này, bên cạnh nội lực, huyện rất cần sự trợ lực về vốn của tỉnh, Trung ương và các nhà đầu tư.

Không chỉ huyện Lắk mà đối với các địa phương khác trong tỉnh, vấn đề nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo cũng đang là “nút thắt” cần tháo gỡ. Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân từ 2,5-3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4-4,5%/năm. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh yếu tố “cần” là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách giảm nghèo, trong tuyên truyền, vận động nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo thì yếu tố quyết định chính là kinh phí thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo với tổng nguồn vốn theo nghị quyết đã được HĐND tỉnh phê duyệt là trên 3.954 tỷ đồng.

Trạm y tế xã Krông Nô (huyện Lắk) được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh  cho người dân.
Trạm y tế xã Krông Nô (huyện Lắk) được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Theo bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhu cầu vốn của tỉnh để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững rất lớn, trong khi Đắk Lắk còn là một tỉnh nghèo, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cần thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo như tăng cường huy động vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, kể cả các tổ chức quốc tế, vốn đối ứng, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, lồng ghép kinh phí từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cũng cần năng động, chớp thời cơ để thu hút nguồn lực chứ không nên quá kỳ vọng vào sự đầu tư của Chính phủ, của tỉnh.

Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: phấn đấu 15-20% số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 70-80% thôn, buôn có trục đường giao thông được cứng hóa theo đúng quy chuẩn; 100% xã đạt tiêu chí về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông; 90% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.