Chia sẻ khó khăn với nạn nhân chất độc da cam
Ông Hà Văn Bang, tổ dân phố 9, thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và Lào.
Sau khi xuất ngũ trở về, sức khỏe ông suy giảm, thường xuyên bệnh tật, đau ốm. Điều đáng buồn là 2 trong 6 người con của ông đã bị dị dạng do ảnh hưởng của chất độc da cam (CĐDC) và một người đã chết cách đây hơn 10 năm. Mơ ước có một căn nhà kiên cố để che nắng, che mưa và chăm sóc đứa con tật nguyền là điều ông không dám nghĩ đến. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của ông, đầu năm 2014, Hội Nạn nhân CĐDC huyện hỗ trợ gần 50 triệu đồng, cùng với số tiền bà con hàng xóm giúp đỡ, gia đình ông Bang đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trên diện tích 96 m2, với tổng trị giá khoảng 100 triệu đồng. Ông Bang bày tỏ: “Nhờ chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ mà cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều, việc làm tình nghĩa này đã giúp tôi có thêm động lực và vững tin hơn để vượt qua khó khăn”.
Chị Nguyễn Thị Huệ ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea Đrăng cũng bị di chứng của CĐDC khiến chị vẹo cột sống và teo chân, khả năng lao động suy giảm nên cuộc sống của gia đình chị lúc nào cũng trong tình trạng giật gấu vá vai. Chị Huệ được Hội Nạn nhân CĐDC huyện cho vay 10 triệu đồng, không tính lãi suất trong 5 năm để phát triển kinh tế. Với số vốn được hỗ trợ, chị đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi dê, từ 3 con dê giống ban đầu, hiện đàn dê của chị đã lên đến 13 con. Bên cạnh đó, năm 2016 chị Huệ còn được Hội hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà Tình nghĩa, giúp gia đình chị thoát nghèo và cuộc sống dần cải thiện hơn.
Chị Nguyễn Thị Huệ đang chăm sóc đàn dê. |
Trường hợp của gia đình ông Bang và chị Huệ chỉ là 2 trong số rất nhiều nạn nhân ở huyện Ea H’leo có hoàn cảnh éo le do nhiễm CĐDC. Mỗi người mang trong mình một loại bệnh khác nhau nhưng họ đều có chung một nỗi đau do CĐDC gây ra mà phải chịu khó khăn, thiếu thốn. Ông Đặng Văn Thời, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện cho biết, hiện nay huyện có 149 đối tượng là nạn nhân CĐDC, phần đông các nạn nhân sức khỏe đều giảm sút, thường xuyên ốm đau, không có khả năng lao động nên rất khó khăn về nhà ở và vốn để phát triển sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, Hội đã thường xuyên tổ chức khám bệnh, thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân với tổng trị giá trên 400 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở trị giá khoảng 500 triệu đồng; tạo điều kiện vay vốn giúp các nạn nhân phát triển kinh tế, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong Hội Nạn nhân CĐDC đều giảm qua từng năm và hiện chỉ còn 5 hộ nghèo. Trong thời gian tới, bên cạnh việc củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội sẽ tích cực tuyên truyền, triển khai nhiều phong trào ý nghĩa như “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Lá lành đùm lá rách”...; phát huy vai trò cầu nối với các đơn vị, nhà hảo tâm để phần nào xoa dịu nỗi đau, giảm bớt những khó khăn thiếu thốn, giúp nạn nhân CĐDC hòa nhập với cộng đồng.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc