Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới để giảm nghèo bền vững

08:24, 25/08/2017

Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được huyện Cư Kuin xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhưng quan trọng hơn, để bảo đảm giảm nghèo bền vững, Cư Kuin đã xác định cho mình một hướng đi mới.

Từ khi thành lập huyện năm 2007 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện luôn được kéo giảm bình quân 2%/năm. Theo kết quả rà soát, xác định hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2016, toàn huyện có 5.257 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 21,67% tổng số hộ (trong đó có 2.263 hộ nghèo, chiếm 9,33%; 2991 hộ cận nghèo, chiếm 12,34%). Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung ở các buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với 1.606/7.135 hộ nghèo và 1.428/7.135 hộ cận nghèo.

Trước thực tế đó, Huyện ủy Cư Kuin đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Trong đó, xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của Đảng bộ, để từ đó nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của toàn hệ thống chính trị và phải tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Công tác giảm nghèo bền vững phải gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Chủ động huy động, kết hợp, lồng ghép các nguồn lực đầu tư một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp đối với từng đối tượng, địa bàn, giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Nguyễn  Năng Chung (bên phải) thăm hỏi  và tặng quà  một gia đình chính sách trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Nguyễn Năng Chung (bên phải) thăm hỏi và tặng quà một gia đình chính sách trên địa bàn.

Để đạt được điều đó, Cư Kuin tập trung vào việc tạo sinh kế bền vững cho người dân thông qua công tác đào tạo nghề, ưu tiên định hướng và giới thiệu việc làm cho người nghèo trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm. Tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động trong độ tuổi ở nông thôn có nhu cầu, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, thực hiện đồng bộ các chính sách khác về giáo dục đào tạo theo quy định đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách để nâng cao khả năng tiếp cận nghề nghiệp. Ngoài ra, bảo đảm 100% người nghèo, đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; vận động 100% hộ cận nghèo tham gia mua BHYT sau khi được ngân sách Nhà nước hỗ trợ để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế. Đồng thời, bảo đảm 90% hộ nghèo, người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình trước pháp luật, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo…

Bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, để phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo, huyện huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư cho chương trình giảm nghèo, bố trí ngân sách Nhà nước hợp lý từ các nguồn vốn 30a, Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình 755, nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của doanh nghiệp; huy động nguồn vốn của các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa với các xã, thôn, buôn của huyện.

Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng có thể nói, với những cách làm trên, mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cư Kuin từ 9,33% đầu năm 2017 xuống còn khoảng 3-3,5% vào năm 2020 là “đích đến” không quá khó.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.