Huyện Cư M'gar: "Nóng" tình trạng tảo hôn, mang thai ở vị thành niên
Trong thời gian qua, dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng tình trạng tảo hôn, mang thai ở vị thành niên trên địa bàn huyện Cư M’gar vẫn diễn ra phức tạp.
Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện Cư M’gar đã xảy ra 63 trường hợp tảo hôn, tăng 10 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Các xã có số lượng tảo hôn cao là thị trấn Ea Pốk (9 trường hợp), Ea Kiết (8), Ea Tar (6)... và rải rác tại các xã, thị trấn còn lại. Đáng lo ngại là, nếu như trước đây tình trạng tảo hôn chỉ xảy ra ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa thì nay tảo hôn diễn ra tại ngay cả những khu vực trung tâm huyện (thị trấn Quảng Phú, xã Quảng Tiến) nơi điều kiện kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, thậm chí có những trường hợp là con của cán bộ, đảng viên... Như trường hợp em T.T.N.A. (SN 2001, trú tại thị trấn Quảng Phú) đang học dở lớp 10 thì phải nghỉ học giữa chừng vì lỡ mang thai với một người bạn học khóa trên. Dù cán bộ thị trấn, viên chức dân số, cộng tác viên, Hội Phụ nữ, Ban tự quản tổ dân phố đã đến tuyên truyền, vận động, gia đình A. cũng hiểu rõ tảo hôn là vi phạm pháp luật nhưng vẫn tổ chức đám cưới cho con gái. Hay như em N.T.T.H. (SN 2000, trú xã Quảng Tiến) cũng được gia đình tổ chức đám cưới sớm vì lỡ mang thai...
Cán bộ dân số xã Ea Đrơng tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các em gái tuổi vị thành niên tại địa phương. |
Trên địa bàn huyện mới chỉ có 5/17 xã, thị trấn có nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo ngăn chặn tảo hôn (chiếm 29,4%) song các nghị quyết này chưa đánh giá đúng thực trạng của địa phương, công tác thống kê chưa đầy đủ, chưa có các giải pháp mang tính toàn diện để ngăn chặn tình trạng tảo hôn. |
Theo báo cáo của Ban Pháp chế HĐND huyện Cư M’gar, năm 2015 toàn huyện xảy ra 116 trường hợp tảo hôn, trong đó có 16 trường hợp độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi (chiếm 13,8%); năm 2016 xảy ra 84 trường hợp tảo hôn, trong đó có 19 trường hợp độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (chiếm 22,6%); và 6 tháng đầu năm 2017 là 63 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp từ 13 đến dưới 16 tuổi (chiếm gần 8%). Có thể thấy, tính chất tảo hôn có phần ngày càng nghiêm trọng, rất nhiều trường hợp vi phạm là học sinh THCS, THPT.
Cũng theo báo cáo của Đoàn giám sát, thực tế cho thấy cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQVN các cấp và các đoàn thể ở xã, thị trấn mới quan tâm đến kế hoạch hóa gia đình mà chưa chú trọng, chưa tổ chức đánh giá và cảnh báo hậu quả nặng nề của tình trạng mang thai ở vị thành niên, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với việc nâng cao sức khỏe giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực. Việc theo dõi, xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm chưa được quan tâm (mới chỉ có xã Quảng Hiệp xử phạt hành chính 3 trường hợp)...
Thiết nghĩ, huyện Cư M’gar nên ban hành sớm nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn tình trạng mang thai ở vị thành niên, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hệ thống chính trị, tổ chức xã hội từ huyện đến xã cần đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bổ sung thêm nội dung ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mang thai ở vị thành niên vào hương ước, quy ước tại thôn, buôn, tổ dân phố.
Đình Quân
Ý kiến bạn đọc