Những khoảng lặng trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột
Hơn 50 bức tranh mà họa sĩ Lê Vấn vẽ về cảnh vật và con người ở đô thị sơn nguyên này vào những năm 80 của thế kỷ trước, sau đó anh tập hợp lại để ra mắt công chúng qua Triển lãm nghệ thuật “Ký ức Buôn Ma Thuột” vào tháng 5-2017 đã gợi lên trong tôi những khoảng lặng thật đáng nhớ.
Khoảng lặng ấy, nói như kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất (Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam) là “phần âm” của đô thị Buôn Ma Thuột lúc ấy. Nó góp phần làm cho thành phố trở nên duyên dáng và mềm mại hơn, hay nói cách khác “phần âm” kia đã thực chứng triết lý cơ bản rằng phải hướng đến sự cân bằng âm – dương của tạo hóa trong bất cứ việc gì, nhất là trong quy hoạch kiến trúc đô thị.
“Ký ức Buôn Ma Thuột” dẫn dắt người xem trở về với khung trời thơ mộng: là ngôi nhà chênh vênh ven bờ suối, thảm cỏ xanh mướt và im ắng cạnh vạt rừng hoa nắng, chuyến xe thổ mộ lúc ẩn, lúc hiện trên con đường dài hun hút chiều, những ngôi nhà dài xinh xắn nép mình dưới rặng cây bằng lăng tím, hay muồng vàng, sao xanh đẫm ướt sương mai… Phải thừa nhận rằng Buôn Ma Thuột trong ký ức của nhiều người lúc ấy quá đẹp, vì những gì nó sở hữu được đã thể hiện hết chiều sâu của một đô thị sinh thái đúng nghĩa và giàu bản sắc. Đến nay, sau hơn 30 năm, đô thị này đã thay đổi rất nhiều. Thay vào những hình ảnh lắng đọng, thân thương kia là những công trình hiện đại mọc lên ngày càng san sát, đường sá rộng rãi thênh thang hơn. Tất nhiên, điều đó được gọi là phát triển, là hiện đại rồi – nhưng theo triết lý nào thì không ai trả lời được. Chỉ biết có một lần, vào cuối năm 2009, giới kiến trúc cả nước tụ hội về Buôn Ma Thuột dự “Hội nghị quy hoạch đô thị - Từ bản sắc đến hiện đại”, phóng viên Báo Đắk Lắk đã đặt câu hỏi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất (TP. Hồ Chí Minh): Ông có thể chỉ ra bản sắc kiến trúc hiện có của đô thị miền núi này? Câu trả lời rằng: Bản sắc của đô thị Buôn Ma Thuột là không có gì làm bản sắc (!?). Đánh giá này đáng để những đơn vị làm công tác quy hoạch đô thị ở đây lưu tâm.
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột hôm nay. |
Quy hoạch, kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột trong thời gian qua là nhạt nhòa, thậm chí “chệch hướng” vì các yếu tố tự nhiên hiện hữu không được tôn trọng, khai thác hợp lý. Sông suối, ao hồ và nhiều cánh rừng trong phố đã bị san lấp không thương tiếc để xây dựng hàng loạt công trình phục vụ cho mục tiêu phát triển mà quên đi bản sắc vốn có. Về điều này, nói như kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam và GS.TS. Đỗ Hậu, Tổng thư ký Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam tại Hội thảo khoa học Quốc tế về “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị TP. Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào đầu tháng 6-2017 là đã vô tình làm cho “cơ thể” TP. Buôn Ma Thuột đông cứng lại, làm tắc nghẽn, thậm chí bức bối trong cảm nhận về mặt mỹ quan, trật tự đô thị. Hội nghị đã đưa ra khuyến cáo, trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị này không nên và càng không được “quay lưng” lại với những yếu tố tự nhiên được trời đất ban tặng. Sông suối, ao hồ và những cánh rừng còn lại ở đây phải được gìn giữ nghiêm cẩn để tạo ra khoảng lặng cần thiết, đúng với triết lý âm – dương hài hòa trong kiến trúc đô thị.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc