Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực cải cách hành chính: Nhìn từ những thông số

13:12, 09/08/2017

UBND tỉnh vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC, thông qua đó xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu để có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC.

Qua đánh giá Chỉ số CCHC năm 2016 cho thấy, các đơn vị đã đạt được số điểm tương đối cao so với các năm trước, điều này thể hiện sự nỗ lực trong tổ chức thực hiện CCHC.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Cư M’gar.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Cư M’gar.

Đối với Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, điểm số trung bình của 5 đơn vị đứng đầu (Cục Hải quan tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh) là 89,93%, tăng 6,22% so với năm 2015; con số này của 5 đơn vị đứng cuối (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh Đắk Lắk, Ban Dân tộc tỉnh) là 67,59%. Khoảng cách giữa nhóm đứng đầu và nhóm đứng cuối là 22,34%, con số này khá lớn và chưa được rút ngắn sau một năm (khoảng cách năm 2015 là 22,33%). Đối với nhóm dẫn đầu, các chỉ số thành phần đều đạt kết quả ở mức khá cao và đồng đều. Trong khi đó, ở nhóm cuối bảng xếp hạng, những chỉ số thành phần của các đơn vị  thường không cao và có sự chênh lệch về kết quả đạt được. Chỉ số CCHC năm 2016 cũng cho thấy, không có sở, ban, ngành nào có kết quả giảm điểm so với năm 2015 và đây cũng là năm đầu tiên có 2 đơn vị đạt chỉ số tổng hợp trên 90% là Cục Hải quan tỉnh và Sở Xây dựng.

 
“Các đơn vị cần nghiên cứu về kết quả đánh giá Chỉ số CCHC, đặc biệt là các tiêu chí thành phần, xem đơn vị mình còn yếu ở đâu để từ đó cải thiện, cạnh tranh lành mạnh trên bảng xếp hạng để đạt kết quả tốt hơn và phục vụ cho người dân tốt hơn. Điều quan trọng nhất là người dân, doanh nghiệp được lợi gì từ tiến trình CCHC của cơ quan công quyền...” 
 
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2016 là 70,98%, cao hơn 7,16% so với năm 2015. Số lượng huyện có Chỉ số CCHC đạt trên 70% đã tăng gấp đôi (năm 2015 có 4 huyện, năm 2016 có 8 huyện), trong đó đáng chú ý lần đầu tiên có đơn vị có chỉ số đạt trên 80% và không có huyện nào có chỉ số dưới 50%. Khoảng cách giữa huyện có kết quả chỉ số tổng hợp cao nhất (Cư M’gar) với huyện có chỉ số tổng hợp thấp nhất (Krông Năng) là 25,35% (khoảng cách này ở năm 2015 là 21,5%). Nhìn chung, kết quả Chỉ số CCHC của các huyện, thị xã, thành phố có sự cải thiện đáng kể, hầu hết các chỉ số thành phần đều tăng điểm. Trong đó, chỉ số thành phần Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có giá trị trung bình cao nhất, đạt 84,48%; chỉ số thành phần Hiện đại hóa hành chính có kết quả thấp nhất trong 7 chỉ số thành phần, đạt 60,01%. Có 5/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2015. Các chỉ số thành phần về Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước có giá trị xấp xỉ 80% và xu hướng tăng đều.

Kết quả Chỉ số CCHC 2016 của các sở, ban, ngành, địa phương đã phần nào đánh giá được công tác CCHC tại các đơn vị. Tuy nhiên, việc xác định Chỉ số CCHC không chỉ là cơ sở so sánh các sở, ban, ngành và các địa phương với nhau mà quan trọng hơn là cung cấp một công cụ, thước đo để các đơn vị tự đánh giá, so sánh với năm trước cũng như của cả quá trình 2013-2016; từ đó tiếp tục duy trì đà cải cách hiện có, đồng thời có hướng xử lý, khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.