Multimedia Đọc Báo in

Hành trang cho ngày trở lại…

08:07, 28/09/2017

Những năm qua, Trại giam Đắk Trung luôn chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân nhằm giúp họ dễ dàng hơn khi mở lại cánh cửa cuộc đời, xây dựng cuộc sống mới…

Theo Thượng tá Lý Xuân Lập, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung, Trại hiện đang quản lý và cải tạo khoảng 2.500 phạm nhân, hầu hết là những người phạm tội nghiêm trọng với mức án cao. Trong công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, Trại không chỉ giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống mà còn chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề cho phạm nhân, nhằm giúp họ hiểu được giá trị của lao động và biết quý trọng những gì mình tự làm ra.

Phạm nhân nữ ở Trại giam Đắk Trung học nghề bóc tách hạt điều.
Phạm nhân nữ ở Trại giam Đắk Trung học nghề bóc tách hạt điều.

Để công tác dạy nghề thực sự phát huy hiệu quả, thời gian qua, Trại giam Đắk Trung đã không ngừng đổi mới, đa dạng hóa ngành nghề theo hướng từ nông nghiệp thuần túy đến phát triển tiểu thủ công nghiệp với mục tiêu bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội bên ngoài cũng như định hướng nghề phù hợp với thực tế cho phạm nhân. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng nhà xưởng; đổi mới công tác quản lý giáo dục, hạn chế được các vụ phạm nhân vi phạm nội quy trại giam, giúp họ an tâm, cố gắng cải tạo. Đại úy Cấn Ngọc Chinh, cán bộ quản giáo tại Phân trại 1, Trại giam Đắk Trung chia sẻ: Dựa trên kết quả khám sức khỏe, lứa tuổi, hoàn cảnh và nguyện vọng của từng phạm nhân, Ban Giám thị Trại sẽ bố trí ngành nghề phù hợp để họ theo học như: cạo mủ cao su, mây tre đan, bóc tách hạt điều… Do trước khi vào trại, nhiều phạm nhân có lối sống buông thả, chây lười lao động, thích hưởng thụ nên để họ tiếp cận và chủ động tham gia học nghề, Ban Giám thị Trại cũng như các cán bộ quản giáo phải thường xuyên sâu sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của phạm nhân và hướng dẫn họ lựa chọn ngành nghề phù hợp. Nhờ vậy, hầu hết phạm nhân đều thích ứng được với cuộc sống, công việc ở đây, thậm chí nhiều người còn say mê  nghề mình chọn và tự cải tạo tốt.

 
“Thời gian tới Ban Giám thị Trại tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đa dạng hóa ngành nghề hơn nữa. Đồng thời, liên hệ với chính quyền và các doanh nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ phạm nhân hết hạn chấp hành án trở về địa phương tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo”
 
Thượng tá  Lý Xuân Lập Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung

Qua sự giới thiệu của Ban Giám thị Trại, chúng tôi đã tiếp xúc với phạm nhân Đỗ Thị Kim L. (ở phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), chấp hành án 20 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chị đang trong giờ lao động buổi sáng. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt bóc tách hạt điều, chẳng ai biết chị đã trải qua một khoảng thời gian không ngắn để đấu tranh tư tưởng với chính bản thân mình. Chị L. bộc bạch: “Lúc mới vào đây tôi thực sự rất buồn chán, nghĩ rằng cuộc đời coi như chấm hết. Thế nhưng, với sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ, tôi đã tìm được công việc phù hợp. Công việc bóc tách hạt điều đòi hỏi sự tỉ mỉ, song với sự hướng dẫn của cán bộ Trại, sau một thời gian kiên trì chịu khó, tôi đã có thể làm một cách thuần thục. Từ công việc này tôi cũng tìm thấy niềm vui, dần quên đi sự chán nản”.

Chị L. chỉ là một trong số rất nhiều phạm nhân được đánh giá cải tạo tốt nhờ sự nỗ lực, cố gắng cải tạo của bản thân. Thành quả của sự lao động hăng say ấy không chỉ giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của các phạm nhân ở Trại giam Đắk Trung được cải thiện mà còn giúp họ khám phá và phát huy những thế mạnh của bản thân, hiểu rõ giá trị của lao động, ý thức được việc hoàn lương có việc làm ổn định là cần thiết, từ đó yên tâm chuẩn bị hành trang để trở lại hòa nhập cộng đồng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.