Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn nghề đan gùi truyền thống của người M'Nông ở Đắk Phơi

08:07, 28/09/2017

Ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk) hầu như người đàn ông M’Nông nào cũng đều biết nghề đan lát. Người biết dạy người không biết, cha dạy cho con, nhờ đó nghề đan gùi thủ công tồn tại từ đời này qua đời khác.

Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông Krông Jiê (68 tuổi), buôn Jiê Yúk lại cặm cụi với những nan tre nứa, lồ ô đan gùi bán cho các quầy hàng lưu niệm và sử dụng trong gia đình. Bắt đầu học đan gùi từ năm 15 tuổi, đến nay đã có hơn 50 năm kinh nghiệm với việc đan lát nên các thao tác của ông rất nhanh nhẹn. Ông chia sẻ, để có được những chiếc gùi vừa đẹp, vừa bền, tầm tháng 7 dương lịch hằng năm, đàn ông trong buôn lại dậy từ tờ mờ sáng lên núi chọn những cây lồ ô loại không già, không non, có đốt dài về đan gùi. Đây là một trong những khâu quan trọng quyết định về độ bền của một chiếc gùi. Bởi, nếu chọn lồ ô quá già, khi đan các nan dễ bị gãy, đặc biệt trong thời tiết mùa khô. Ngược lại, với những cây lồ ô còn non, khi sản phẩm hoàn thiện chất liệu nan đan thường bị co, tạo thành những kẽ hở ở sản phẩm. Công đoạn chẻ nan cũng phải thật khéo léo, không được quá mỏng cũng không quá dày, nan chẻ xong phải bảo đảm không được khô quá sẽ rất khó luồn khi đan và dễ gãy nan. Niềm đam mê cộng với sự thành thạo trên từng nan đan, nhà ông còn là nơi để con cháu và những người yêu nghề đan lát quây quần học việc.

Người dân buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi tranh thủ thời gian rảnh đan gùi.
Người dân buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi tranh thủ thời gian rảnh đan gùi.

Bước qua tuổi 70, ông Y Tang Cil ở buôn Jiê Yúk vẫn đam mê với những chiếc gùi được làm nên từ vật liệu lồ ô lấy từ dãy núi Chư Yang Sin. Ông cho hay, 10 tuổi ông bắt đầu được ama dạy cách đan những vật dụng dễ làm như cái quạt tay, chò bắt cá, gùi… Sau khi đan thành thạo, ông bắt đầu đan những chiếc gùi có chi tiết hoa văn phức tạp. Thời trai tráng, cứ đến mùa là ông cùng những thanh niên trong buôn rủ nhau 1 nhóm 3 đến 5 người lên núi chặt lồ ô về đan gùi; giờ tuổi cao, ông phải nhờ con cháu đi lấy giùm. 2 loại gùi mà người dân địa phương sử dụng nhiều nhất gồm gùi dùng để gùi lúa, cà phê thì đan kín dày từ trên xuống dưới tránh rơi hạt khi vận chuyển, còn đối với gùi mang rau, bỏ vật dụng sinh hoạt thì đan thưa hơn, có khoảng hở ở đoạn giữa gùi.

Việc đan gùi của người M’Nông ban đầu chỉ phục vụ sử dụng đi nương rẫy hằng ngày, nhưng khi hoạt động du lịch có nhu cầu, những người đan gùi cũng đầu tư công sức, sáng tạo hoa văn để tạo ra những sản phẩm vừa giữ gìn nét đặc trưng của người M’Nông vừa phục vụ thị hiếu người tiêu dùng. Với những chiếc gùi bình thường để sử dụng trong việc đi làm ruộng, nương rẫy của bà con trong buôn, ông chỉ cần mất khoảng 3 ngày là hoàn thành, còn với những chiếc gùi có nhiều hoa văn cầu kỳ bán cho khách du lịch thì mất khoảng 1 tuần. Với giá bán hiện tại từ 200 – 300 ngàn đồng/chiếc, người dân địa phương cũng có thêm một nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Với những người thợ lành nghề thường được chủ các quầy lưu niệm ở khu du lịch đặt hàng thì thu nhập ổn định hơn.

Sợ nghề đan lát bị mai một, nhiều người thành thạo nghề tại các buôn trên địa bàn xã Đắk Phơi đã nỗ lực truyền nghề cho thế hệ trẻ. Song nghề đan thủ công truyền thống đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó và sự khéo léo, trong khi giới trẻ bây giờ ít người mặn mà với nghề này. Làm sao để nghề đan lát nói chung, đan gùi nói riêng của người M’Nông không bị mai một là nỗi trăn trở của các bậc cao niên tại Đắk Phơi.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.