Trên quê hương thầy giáo Y Jut
Cùng với sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk, buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin - quê hương của nhân sĩ Y Jut Hwing - cũng đang từng ngày thay da đổi thịt
Đến buôn Kram vào những ngày này, điều dễ nhận thấy nhất là không khí lao động nhộn nhịp của bà con nơi đây. Đang tất bật chuẩn bị cám để người làm chở vào trang trại nuôi heo của gia đình, chị H'Chinh Êban lại phải quay sang phân công công việc cho người làm công cuốc cỏ ở vườn cà phê, rồi lại tiếp chuyện người khác đến xin nuôi rẽ bò. Đó là điển hình về nhịp độ công việc thường nhật của một trong những gia đình khá giả ở buôn Kram. Với một trại nuôi heo thường xuyên có trên 40 con, 18 con bò cho bà con trong buôn nuôi rẽ, gần 5 ha cà phê xen tiêu, gia đình chị H'Chinh mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng và là một trong những hộ khá giả nhất buôn Kram. Cũng với mô hình trang trại, nhưng quy mô nhỏ hơn, gia đình anh Y Het Ê Nuôl mỗi năm cũng có thu nhập gần 100 triệu đồng.
Buôn Kram là quê hương của thầy giáo Y Jut - tên đầy đủ là Y Jut Hwing (1888-1934) - một nhân sĩ người Êđê. Với ý thức tự tôn dân tộc và giúp cho người Êđê có chữ viết, ông là tác giả chính của bộ chữ viết Êđê ngày nay. |
Những mô hình sản xuất như chị H'Chinh, anh Y Het... không chỉ giúp những gia đình này vươn lên làm giàu mà còn góp phần thay đổi diện mạo buôn làng nơi đây. Buôn phó buôn Kram H'Juen Knul cho biết, những mô hình kinh tế như trên đang xuất hiện ngày càng nhiều. Cùng với đó, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đến nay, hầu hết các tuyến đường trong buôn đã được bê tông hóa, hệ thống kênh mương thủy lợi, điện lưới được đầu tư đồng bộ... tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Nhờ đó, buôn có 346 hộ, với 1.486 nhân khẩu nhưng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn lại không đáng kể.
Bộ mặt buôn Kram đã có nhiều khởi sắc. |
Kinh tế phát triển, bộ mặt buôn làng đổi thay là điều dễ nhận thấy, nhưng điều quan trọng nhất là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền, đoàn thể ở địa phương, bà con trong buôn không chỉ thay đổi tập quán canh tác mà còn thay đổi cả nhận thức, lối sống. Thay vì tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây, bà con ngày càng chịu khó lao động sản xuất vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người thiếu đất sản xuất đã đi học nghề để làm việc tại nhiều nơi, trong đó có 27 người lao động tại các khu công nghiệp trong nước và 4 người hiện đang lao động ở nước ngoài. Tỉ lệ hộ nghèo trong buôn giảm nhanh qua các năm; số hộ khá, giàu chiếm hơn 10%; thu nhập bình quân đạt trên 18 triệu đồng/người/năm; học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Nhiều hộ đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các trang thiết bị, máy móc phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Những hộ còn khó khăn đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành nên cũng đã từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Hiện trong buôn có 2 hộ nghèo đang xây dựng nhà từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ của địa phương.
Nhờ cuộc sống ổn định, buôn Kram nhiều năm liền đã giữ vững danh hiệu buôn văn hóa. Đặc biệt, nhắc đến buôn Kram, người ta sẽ nghĩ ngay đội chiêng nổi tiếng của buôn từng đi biểu diễn khắp nơi. Chị H'Juen tự hào, buôn Kram vẫn mở được lớp dạy chiêng và thành lập đội chiêng trẻ để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc