Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa dạy bơi trong trường học ở Cư M'gar

15:59, 27/09/2017

Huyện Cư M’gar đang tập trung thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh bằng cách kêu gọi xã hội hóa dạy bơi trong trường học.

Háo hức học bơi

 Bể bơi thông minh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Hiệp) được khánh thành, đưa vào sử dụng cuối tháng 7-2017. Bể bơi có chiều dài 18 m, chiều rộng 6,5 m; kinh phí đầu tư hơn 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Hùng, giáo viên dạy môn thể dục của trường cho hay: “Tôi từng chứng kiến nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn, trong đó có các em học sinh. Vì vậy khi UBND huyện có chủ trương xã hội hóa xây dựng bể bơi, tôi mạnh dạn đầu tư với mong muốn dạy cho học sinh biết bơi và một số kỹ năng phòng, chống đuối nước”. Ngay khi bể bơi đi vào hoạt động, nhiều học sinh đến đăng ký học bơi. Chỉ sau mấy buổi tập, một số em đã nắm vững các động tác kỹ thuật và biết bơi cơ bản. Không giấu được niềm vui, em Phạm Khả Công, học sinh lớp 4A1 nói: “Em rất thích học bơi, nhưng do phải đi ra trung tâm huyện hoặc lên thành phố Buôn Ma Thuột mới học được nên đành thôi. Giờ đây, ở trường đã có bể bơi, nên bố mẹ đăng ký cho em học”.

Sau 1 tháng tập luyện, một số học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Hiệp) đã biết bơi.
Sau 1 tháng tập luyện, một số học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Hiệp) đã biết bơi.

Tương tự, Trường Tiểu học Trần Cao Vân (xã Ea Tar) cũng đã kêu gọi một thầy giáo dạy môn thể dục và Bí thư Đoàn thanh niên nhà trường đầu tư gần 250 triệu đồng lắp đặt bể bơi thông minh. Khi chúng tôi thăm trường dù đã gần trưa nhưng thầy giáo dạy thể dục vẫn miệt mài dạy một nhóm học sinh một kiểu bơi căn bản. Sau đó chẳng cần thầy giáo giục giã, các cô bé cậu bé từ 7-10 tuổi đã hồ hởi ào xuống vẫy vùng trong hồ nước trong mát. Thầy giáo Vũ Văn Cường, chủ hồ bơi cho biết: “Để việc học bơi của các em đạt hiệu quả, tôi yêu cầu các em thực hiện đúng các động tác kỹ thuật. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng giảng dạy và tận dụng công suất hoạt động của bể bơi, chúng tôi còn mời một giáo viên dạy thể dục ở Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (thị trấn Quảng Phú) cùng đứng lớp”.  Dù bể bơi mới đưa vào hoạt động, nhưng mỗi ngày có vài chục lượt em đến bơi và đã có hơn 100 em đăng ký học bơi. Không chỉ có học sinh trong trường, mà nhiều thanh thiếu nhi trong xã, hoặc ở các xã lân cận cũng đến bơi, học bơi.

Nhân rộng mô hình

Nhằm tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em và học sinh, đầu năm 2017 huyện Cư M’gar có chủ trương tăng cường xã hội hóa bể bơi trong các trường học nhằm dạy bơi cho học sinh. Chủ trương này được chính quyền các xã, thị trấn, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh hưởng ứng. Đến nay toàn huyện đã có 6 trường học xây dựng bể bơi. Tất cả các bể bơi đều do các giáo viên dạy thể dục của trường đầu tư, quản lý, vận hành.

Còn quá sớm khi nói về hiệu quả của mô hình, nhưng trong điều kiện việc xây dựng hồ bơi ở trường học còn gặp nhiều khó khăn do quy hoạch đất đai, vốn đầu tư… thì chủ trương huy động từ nguồn xã hội hóa để xây dựng bể bơi của huyện Cư M’gar là cách làm thiết thực, hiệu quả. Ngoài 6 trường đã xây dựng bể bơi, rất nhiều trường học ở huyện “rục rịch” xây dựng bể bơi di động. Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Dù huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền, vận động, cảnh báo nhưng không đem lại hiệu quả. Mỗi năm vẫn xảy ra khoảng 10 vụ tai nạn đuối nước, chủ yếu là học sinh. Do đó, việc xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi trong các trường được xác định là giải pháp căn cơ nhằm giảm thiểu số vụ đuối nước, hướng đến nâng cao thể lực, tầm vóc cho trẻ. Nếu mỗi trường học có một bể bơi, mỗi năm sẽ có vài trăm em biết bơi, như vậy không bao lâu nữa học sinh toàn huyện sẽ được phổ cập bơi”.

Huyện Cư M’gar đang nhân rộng mô hình xã hội hóa dạy bơi trong trường tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS), phấn đấu 100% trường TH, THCS triển khai chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh; giảm số học sinh tử vong do tai nạn đuối nước hằng năm, tiến tới không có học sinh bị đuối nước sau năm 2020.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.