Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa bình yên trong mỗi nếp nhà

11:37, 22/10/2017

Hết lòng chăm lo cho con cái và siêng năng lao động đã đem lại niềm vui, sức khỏe cho người cao tuổi.

Ông Quế chăm sóc người con  tật nguyền.
Ông Quế chăm sóc người con tật nguyền.

Dù đã sắp bước vào độ tuổi thất thập, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) vẫn lao động không ngơi tay. Trong số 3 người con của ông bà có 1 người mang căn bệnh bại não từ lúc lọt lòng do di chứng chất độc da cam từ bố. Việc chạy chữa, chăm sóc cho người con tật nguyền suốt hơn 35 năm nay khiến ông bà hao tổn biết bao công sức, thời gian, tiền bạc, nhưng họ vẫn lặng thầm chèo chống vượt qua, cùng với việc chăm lo nuôi dạy hai người con khỏe mạnh học hành thành đạt, có công việc ổn định và đã lập gia đình riêng.

Được biết, ông Quế đi bộ đội từ năm 19 tuổi, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và Nam Lào. Năm 1975, ông xuất ngũ với thương tật 4/4. Đến Buôn Đôn lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, vợ chồng ông đã mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo, gây dựng cơ ngơi trên vùng đất cằn cỗi. Đến nay, ông Quế đang canh tác hơn 5 ha đất trồng các loại cây thuốc nam và cây ăn quả.

Không những thế, ông còn tự bào chế cây thuốc thành các loại thuốc và cao để đưa ra thị trường cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vợ ông tâm sự rằng, ông bà thương đứa con tật nguyền nên còn khỏe ngày nào thì cố lo lắng chăm sóc cho con. Với nhiều người dân địa phương, vợ chồng ông là tấm gương sáng về sự cần cù, chịu khó trong lao động và tấm lòng hy sinh vì con cái.

Ông Bình  bên mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng  của gia đình.
Ông Bình bên mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng của gia đình.

Với ông Trần Thanh Bình (xã Buôn Triết, huyện Lắk), tuổi cao không làm giảm tinh thần hăng say lao động sản xuất, hàng ngày ông vẫn luôn chân luôn tay với công việc nhà nông, vừa để phát triển kinh tế vừa rèn luyện sức khỏe dẻo dai. Nhớ lại những năm tháng rời quê hương xứ Nghệ vào xã Buôn Triết khai hoang lập nghiệp, ông Bình cho biết: “Khi ấy ở vùng đất này xung quanh đều là rừng rú thăm thẳm, những người mới đến chỉ biết lao động quần quật, cải tạo đất để trồng trọt. Có những lúc tưởng như không thể gắng gượng nổi nhưng nghĩ đến tương lai các con nên vợ chồng tôi đã vượt qua tất cả”.

Những năm tháng khó khăn rồi cũng qua, hiện vợ chồng ông sở hữu gần 3 ha đất trồng lúa, cà phê, hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi heo, gà, vịt và đào ao thả cá, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Bình còn sẵn lòng giúp đỡ bà con lối xóm, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất. Đặc biệt, trong gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, động viên con cháu chăm chỉ học hành, lao động. Các con ông đều được học hành đến nơi đến chốn, có công việc và kinh tế ổn định .

Chỉ là những việc bình dị thường ngày như vậy, người cao tuổi chính là “cây cao bóng cả”, là điểm tựa bình yên, vững vàng trong mỗi gia đình, góp phần làm nên nét đẹp cuộc sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc