Multimedia Đọc Báo in

Hút thuốc lá dễ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính "đeo bám" suốt đời

09:13, 20/10/2017

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một dạng bệnh lý tắc nghẽn thông khí phổi gây khó thở cho người bệnh do đường thở bị hẹp lại. Hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hiện là một trong 10 căn bệnh không thể chữa khỏi trên toàn cầu. Ước tính ở nước ta có khoảng 1,3 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần được điều trị. Tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, năm 2016 đã tiếp nhận điều trị và quản lý hơn 234 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; từ đầu năm 2017 tới nay có thêm 70 trường hợp mắc căn bệnh này.

Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.
Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Người nghiện thuốc lá bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Theo thống kê, 80-90% bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có hút thuốc; gần 50% những người hút thuốc lâu dài sẽ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Bác sĩ Nguyễn Thị Bê, Trưởng khoa Khám – Cấp cứu (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá hoặc bị ảnh hưởng từ việc hít phải khói thuốc lá thường xuyên.

Điển hình như bệnh nhân Trần Thị Ngần (SN 1944, trú xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) phải nhập viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rất nhiều lần, trung bình mỗi năm nhập viện 5-6 lần. Bà Ngần mắc bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhưng người chồng vẫn hút thuốc lá rất nhiều khiến bệnh tình của bà tái phát thường xuyên, ngày càng nặng hơn và hầu như không thể phục hồi.

Ông Võ Ba (SN 1953, trú phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã điều trị nhiều năm tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. Ông Ba chia sẻ: “Tôi hút thuốc lá từ năm 12 tuổi, đến nay đã trên 50 năm. Ngày đổ bệnh, tôi đến bệnh viện khám mới biết phổi bị hủy hoại nặng nề. Tôi không thở được, phải thở khí dung mới đỡ. Bây giờ, cứ nửa tháng tôi lại phải vào viện điều trị một lần, khổ sở vô cùng”.

Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.
Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Theo bác sĩ Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, hầu hết bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đều có tiền sử hút thuốc lá rất nhiều, trung bình hút 1-2 gói thuốc lá/ngày. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rất nguy hiểm, do chưa có một phác đồ điều trị khỏi bệnh này, một khi đã mắc bệnh này thì không thể chữa trị khỏi hoàn toàn, chỉ có thể hỗ trợ người bệnh điều trị, làm giảm các triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi và phòng ngừa tái phát đợt cấp…

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian và kéo dài suốt quãng đời còn lại kể từ khi bệnh nhân phát bệnh. Căn bệnh này được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi diễn biến âm thầm, không gây nguy hiểm tức thì cho người bệnh, chỉ đến khi thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm cao hay làm việc quá sức thì mới bắt đầu phát tác. Hậu quả là người bệnh bị mất sức lao động, không thể tự chăm sóc bản thân.  “Để phòng tránh căn bệnh này, tốt nhất là phải từ bỏ hút thuốc lá càng sớm càng tốt” – bác sĩ Rmah Lương khuyến cáo. 

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.