Multimedia Đọc Báo in

Ea Sô mong có thêm công trình cấp nước

09:28, 09/10/2017

Năm 2016, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 giếng nước tập trung với tổng kinh phí 400 triệu đồng.

Theo đó, địa phương đã chọn buôn Ea Púk và buôn Ea Brá để khoan giếng với công suất cấp nước sinh hoạt cho khoảng 50 hộ dân mỗi buôn. Cũng trong năm 2016, xã được UBND huyện Ea Kar hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn chống hạn để xây dựng giếng nước tập trung tại buôn Cư Ana San. Tuy nhiên đến nay chỉ mới có giếng nước ở buôn Ea Púk và buôn Cư Ana San đưa vào hoạt động phục vụ người dân, còn ở buôn Ea Brá mặc dù giếng đã khoan xong nhưng do chưa được UBND huyện đầu tư hệ thống đường điện nên vẫn chưa đưa vào sử dụng.

 “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện để đào hay khoan giếng nên trước đây đều phải đi gùi nước suối về sử dụng hoặc đi xin của các hộ khác trong buôn. Do đó, khi giếng nước tập trung này được xây dựng đã giúp tôi và nhiều hộ khác không còn vất vả trong việc đi lấy nước”, chị H’Boan Mlô (buôn Cư Ana San) phấn khởi nói. Được biết, giếng nước buôn Cư Ana San có độ sâu 10 mét, cùng với đó là hệ thống máy bơm, bể chứa nước phục vụ cho hơn 20 hộ dân trong buôn, hằng tháng trung bình mỗi hộ đóng 20.000 đồng tiền điện để bơm nước lên bể. Có được nguồn nước này, nhiều hộ dân trong buôn đã không còn cảnh thiếu nước vào mùa khô hay dùng xô, chậu để hứng trữ nước mưa sử dụng dần.

Điểm cấp nước tập trung phục vụ người dân ở buôn Ea Púk.
Điểm cấp nước tập trung phục vụ người dân ở buôn Ea Púk.

Xã Ea Sô có 10 thôn, buôn với hơn 900 hộ dân, trong đó gần 50% là hộ nghèo; hiện nay, ngoài khoảng 70 hộ dân dùng nguồn nước từ 2 công trình cấp nước đang hoạt động thì tất cả các hộ còn lại đều sử dụng nguồn nước giếng đào hoặc khoan không bảo đảm vệ sinh. Lo lắng việc sử dụng nguồn nước này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nên những gia đình có điều kiện đã mua máy để lọc nước, số còn lại vì cuộc sống khó khăn nên đành áp dụng phương pháp lọc truyền thống qua bể cát hoặc dùng trực tiếp. Theo ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã, Ea Sô là địa bàn khan hiếm nước, có hộ dân khi khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải khoan rất nhiều lần ở các địa điểm khác nhau mới tìm được nguồn nước. Đặc biệt, có khu vực khoan ở độ sâu hơn 100 mét nhưng vẫn không có nước. Chính vì thế, hiện nay vẫn có rất nhiều gia đình không có giếng, phải dùng nước suối hoặc xin nước từ các hộ khác.

Gặp khó về nguồn nước sạch nên đến nay xã Ea Sô vẫn chưa đạt chỉ tiêu về nước sạch trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xã Ea Sô mới chỉ có 77% hộ dân có nguồn nước để sử dụng, trong đó kể cả chưa biết có đảm bảo chất lượng hợp vệ sinh hay không, 23% hộ dân còn lại phải dùng nước suối hoặc dùng chung với giếng của hàng xóm.

Ông Hữu cho biết thêm: “Hiện tại vẫn chưa thể xác định được nguồn nước trên địa bàn xã có bị ô nhiễm hay không và mức độ ô nhiễm ra sao vì chưa có cơ quan chức năng nào thực hiện việc kiểm tra chất lượng nước. Điều đáng nói nữa là vào mùa khô hầu hết giếng nước của các hộ dân đều khô cạn gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất”. Do đó, ngoài việc cần sự hỗ trợ của UBND huyện Ea Kar đầu tư đường dây điện để đưa công trình cấp nước buôn Ea Brá đi vào hoạt động thì Ea Sô vẫn đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình cấp nước khác để giải quyết nhu cầu nước sạch của người dân cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.