Multimedia Đọc Báo in

Y học cổ truyền hỗ trợ người bị bệnh tim mạch hồi phục nhanh chóng

16:22, 08/10/2017

Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ngày càng gia tăng.

Tim mạch là một trong những bệnh lý gây tử vong cao nhất, đặc biệt bệnh đang có xu hướng ngày một trẻ hóa. Để điều trị bệnh tim mạch, Tây y đã có những bước tiến trong việc chữa trị bệnh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, các phương pháp y học cổ truyền cũng góp phần hiệu quả trong việc giúp người bệnh phòng và chữa trị di chứng của bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch thường gặp là các bệnh lý van tim và mạch vành làm giảm chức năng bơm máu của hệ tuần hoàn. Bệnh lý tim mạch gây ra sự gián đoạn cung cấp oxy đến các cơ quan trong cơ thể khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân. Một số bệnh liên quan đến tim mạch phổ biến như: Huyết áp cao, suy tim, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch… dễ dẫn tới tử vong hoặc bệnh nhân bị tàn phế nặng nề. Để điều trị bệnh tim mạch và di chứng do bệnh này gây ra, y học cổ truyền đã có rất nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị như: vật lý trị liệu, các món ăn, bài thuốc dược liệu...

Các bệnh nhân được điều trị di chứng của bệnh tim mạch tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.  Ảnh: Đình Thi
Các bệnh nhân được điều trị di chứng của bệnh tim mạch tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Đình Thi

Hiện nay, sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền đã mang lại nhiều hiệu quả và chất lượng trong điều trị bệnh tim mạch. Nhiều bệnh nhân đã hồi phục nhờ sự kết hợp hiệu quả này. Như trường hợp chị Hoàng Thị Lệ Thân (SN 1968, trú TX. Buôn Hồ) bị liệt nửa người, được chẩn đoán bị thiếu máu cơ tim, tai biến liệt nửa người. Các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã tiến hành thăm khám, áp dụng các biện pháp châm cứu, chiếu tia lazer, kết hợp uống thuốc bắc với thuốc tây, đồng thời cho chị Thân tập phục hồi chức năng. Sau 1 tháng điều trị, chị Thân đã hồi phục rất nhiều, có thể tự mình đi lại được, sức khỏe tiến triển tốt. Hay ông ông Đặng Tấn Phát (SN 1948, trú thôn 3, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng bị tai biến mạch máu não do tăng huyết áp. Sau khi cấp cứu, nửa người bên trái của ông Phát vận động rất khó khăn nên ông được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Tại đây, nhờ sự chăm sóc, điều trị kết hợp giữa thuốc bắc và thuốc tây, được các bác sĩ hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng nên sức khỏe ông Phát đã hồi phục rõ rệt. Từ chỗ không nhấc được chân tay nay ông đã đi lại được.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Khoa Lão khoa Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện Y học cổ truyền đã tiếp nhận gần 900 trường hợp nhập viện điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch. So với các bệnh khác, lượng bệnh nhân liên quan đến bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ 70 - 80% số ca nhập viện. Cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh tim mạch, đặc biệt là hỗ trợ cho bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Y học cổ truyền có một số vị thuốc, cây thuốc hoặc bài tập luyện để hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch như cây hoa hòe có thành phần bảo vệ tim mạch tốt, cây nghệ hoặc cây tỏi đều có hoạt chất làm vững mạch máu… Bên cạnh đó, y học cổ truyền còn có chế độ ăn uống, tập luyện dành cho bệnh nhân tim mạch, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi. Mặt ưu điểm của việc điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền là chi phí thấp, tránh được những loại thuốc có nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân, các bác sĩ phải khám kỹ, chẩn đoán chính xác kịp thời ở từng giai đoạn.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Khoa Lão khoa Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh nhấn mạnh: “Nhằm bảo đảm chất lượng điều trị của y học cổ truyền trong điều trị tim mạch, bệnh viện luôn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ. Bên cạnh việc giải thích cho bệnh nhân về các chế độ, còn có sinh hoạt chuyên đề, hướng dẫn cho người bệnh tình trạng bệnh của mình để giúp bệnh nhân nắm bắt rõ, phối hợp với bác sĩ trong công tác điều trị. Bệnh viện cũng chú trọng đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân”.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.