Những phụ nữ đam mê kinh doanh
Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ đam mê kinh doanh và trở thành chủ doanh nghiệp. Họ cần mẫn dẫn dắt, đưa công ty ngày càng phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Người “bắt mạch” nền kinh tế
Mặc dù đã gần 60 tuổi, thế nhưng nữ doanh nhân Bùi Thị Lan (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Mặc Vi, đường Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn tràn đầy niềm đam mê khởi sự kinh doanh. Ngoài dịch vụ in ấn, thiết kế, quảng cáo và tham gia vào việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, hiện nay chị đang triển khai thực hiện dự án nông nghiệp sạch. Để có thể vượt qua mọi sóng gió, đem đến thành công như ngày hôm nay thì ngoài niềm đam mê chị luôn kiên nhẫn, cẩn thận, chu đáo trong từng công việc.
Năm 2000, chị Lan bắt tay vào việc kinh doanh hoạt động in ấn, thiết kế, quảng cáo. Gặp muôn vàn khó khăn khi vừa mới khởi nghiệp cũng như sự cạnh tranh giữa các công ty trong ngành, chị Lan đã không ít lần thất bại. Nhưng chị không nản lòng mà kiên nhẫn tìm hướng phát triển riêng cho mình trong bối cảnh thị trường ngành thiết kế quảng cáo đang “nóng”. Chị Lan chia sẻ: “Kinh doanh in ấn, thiết kế quảng cáo được ví như người “bắt mạch” nền kinh tế. Nhìn vào đơn hàng công ty nhận được có thể thấy được nền kinh tế nói chung hay sự phát triển của các doanh nghiệp đang trên thế mạnh hay là suy yếu”. Để đứng vững trên thương trường, chị đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để tạo ra những mẫu mã mới, mang nét riêng biệt nhằm thu hút khách hàng. Nhờ đó, đến năm 2013, trong “cơn bão” khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi nhiều doanh nghiệp lần lượt tuyên bố phá sản và đóng cửa thì Công ty của chị vẫn có đơn hàng và an toàn vượt qua.
Nữ doanh nhân Bùi Thị Lan (ngoài cùng) say sưa với việc thiết kế quảng cáo. |
Song song với hoạt động kinh doanh thiết kế quảng cáo, chị Lan ấp ủ ước mơ bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số và tìm hướng đi để người dân có thể yên tâm gắn bó với nghề dệt. Ước mơ đó cũng đã thành hiện thực khi ngoài việc tham gia vào HTX dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột, chị đã xây dựng một quán cà phê mang đậm sắc màu thổ cẩm (đường Nguyễn Chí Thanh – TP. Buôn Ma Thuột). Tuy mới mở trong năm nay nhưng quán đã thu hút ngày càng đông du khách tìm đến. Đó cũng là cách vừa để bảo tồn, quảng bá và tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm.
Được biết, hiện chị Lan đang triển khai mô hình phát triển nông nghiệp sạch bằng cách liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Ea H’leo trồng rau an toàn.
Đi lên từ sản xuất nông nghiệp
Với mô hình sản xuất nông nghiệp, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thái Hà (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thương mại Thái Hà, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) là một điển hình trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Xuất phát điểm từ nghề thu mua nông sản, nhưng với niềm đam mê trồng trọt, bà đã dồn hết vốn liếng mua đất để thực hiện ước mơ của mình. Từ vài hec ta, rồi tích lũy dần đến nay bà có tổng diện tích đất hơn 20 ha trồng đủ loại cây, từ cà phê, hồ tiêu đến cây ăn quả. “Ban đầu phần lớn diện tích đất tôi trồng cây cà phê, nhưng về sau thấy thị trường cà phê nhiều bấp bênh trong khi vốn đầu tư rất lớn nên tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thêm hồ tiêu và cây ăn quả có giá trị như: bơ Booth 7, sầu riêng ghép trồng xen trong vườn cà phê, bưởi da xanh, chanh dây, quýt đường, mít Thái…”, bà Hà tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Thái Hà (bìa phải) giới thiệu mô hình trồng bưởi da xanh. |
Điều đáng nói là bà đã nắm bắt được nhu cầu thị trường từng giai đoạn để quyết định đầu tư trồng những loại cây khác nhau. Đặc biệt, bà mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào việc lai tạo giống, chăm sóc cây trồng. Đơn cử như để tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm công lao động, bà đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm với công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel trên toàn bộ diện tích cây trồng với mức đầu tư 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, để hạn chế việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu cho cây trồng, hiện bà đang đưa vào thử nghiệm sử dụng phân bón sinh học cho cây chanh dây và bước đầu cho kết quả rất khả quan. Thời gian tới, bà sẽ đưa vào sử dụng phân bón sinh học cho tất cả các loại cây trồng để vừa giảm chi phí sản xuất vừa hướng đến nền nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, ngoài việc đầu tư trồng các loại cây trên tổng diện tích hơn 20 ha, bà Hà còn kinh doanh thêm dịch vụ phân bón phục vụ người dân trên địa bàn, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động trong vùng.
Toàn tỉnh hiện có trên 1.700 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; đồng thời đã thành lập được 10 câu lạc bộ nữ doanh nhân, nữ tiểu thương với gần 300 thành viên nhằm giúp nhau phát triển kinh tế.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc