Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo cửa hàng gốm sứ Nhật

15:19, 11/11/2017

Ở cuối đường Quang Trung, TP. Buôn Ma Thuột, ít ai biết rằng có một ngôi nhà chuyên bán gốm sứ Nhật mang tên khá lạ:“Sành Decor”. Với những sản phẩm gốm sứ mang vẻ đẹp mộc mạc nhưng đầy mê hoặc, “Sành Decor” là một trải nghiệm thú vị cho những ai yêu mến văn hóa xứ sở Phù Tang.

Đến với “Sành Decor”, một ngôi nhà nhỏ rất đỗi bình thường nhưng được bày trí khéo léo khiến tôi như bị “hút mắt” vào thế giới gốm sứ đầy mới lạ. Những chiếc đĩa, ly, tách trà, bình hoa, búp bê… được xếp ngay ngắn trên các kệ, xuống bàn gỗ, thậm chí cả dưới đất. Khách tìm đến đây, ai nấy đều nói chuyện từ tốn, di chuyển chậm rãi và trầm ngâm trên tay những món đồ đặc biệt.

Anh Nguyễn Thành Trung (34 tuổi), chủ “Sành Decor” kể: Trong một lần tình cờ đến cửa hàng bán gốm Nhật ở TP. Hồ Chí Minh, anh đã bị mê hoặc bởi sự tinh tế của gốm sứ Nhật Bản. Ban đầu, chỉ là người sưu tầm những bình hoa, bức tranh gốm… nhưng sau đó chàng kiến trúc sư trẻ tuổi này quyết định kinh doanh sản phẩm này vì nhìn thấy sự cuốn hút của gốm sứ Nhật đối với người tiêu dùng.

Một  khách hàng chọn mua đồ gốm ở
Một khách hàng chọn mua đồ gốm ở "Sành Decor".

Theo anh Trung, gốm Nhật trước kia được xem là mặt hàng đắt đỏ, chỉ những ai “nhà giàu” mới “chơi” được. Nhưng mấy năm gần đây, gốm Nhật về Việt Nam có dòng bình dân, có hàng đã qua sử dụng nên ai cũng có thể mua được. Tùy theo kiểu dáng, chất lượng men và tên tuổi của thương hiệu gốm, giá gốm Nhật có nhiều mức khác nhau. Trong cửa hàng của anh giá dao động phổ biến từ 30.000 đồng đến 3 triệu đồng, cũng có những mặt hàng lên đến hàng chục triệu đồng.

Đến với thế giới gốm Nhật ở “Sành Decor” mới thấy hầu hết chúng đều mang một gam màu trầm, không quá sặc sỡ, nhìn quý tộc, sang trọng nhưng vẫn rất mộc mạc. Đặc biệt, có những chiếc ly, đĩa… méo mó, trông như bị nứt, thậm chí bề mặt có lỗ nhỏ khiến nhiều người không khỏi tò mò. “Đó là dòng gốm Shino được những người sành gốm thích nhất. Người Nhật thường thích tạo ra sản phẩm phi tỷ lệ, không theo khuôn khổ nào. Mặt khác, chỉ bằng kỹ năng nung và trộn đất sét, không phải vẽ, họ tạo ra những hình dáng đặc biệt trên bề mặt gốm và màu sắc dịch chuyển, nên những người sành gốm rất ưa thích những loại gốm đặc biệt này. Điểm thú vị của gốm Nhật còn ở sự tiết chế tối đa màu sắc trên men nhằm để lộ chất đất nên các sản phẩm nhìn tưởng “cổ” nhưng thật ra đều là hàng mới sản xuất.” - anh Trung say mê nói về sự độc đáo của gốm Nhật.

Những ai yêu thích văn hóa Nhật Bản hẳn sẽ càng thích thú khi không chỉ có gốm, “Sành Decor” còn bán nhiều món đồ khác như thảm, búp bê, đồng hồ và một số hàng “độc” như  nón Samurai làm bằng kim loại có hơn 100 năm tuổi…

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc