Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão

08:38, 07/11/2017

Cơn bão số 12 đi qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Để sớm khắc phục những thiệt hại do bão gây ra, UBND tỉnh đã kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các giải pháp cấp bách.

Tan hoang sau bão

Ngỡ ngàng trước sự tàn phá của gió và mưa lũ, ông Trần Công Nhang, Phó Bí thư chi bộ buôn Tar (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) đã thốt lên: “Từ khi sinh ra và lớn lên ở đây, tôi chưa khi nào thấy bão và cũng chưa khi nào thấy buôn bị thiệt hại nặng như thế này”. Cơn bão vào buôn từ 4 giờ sáng, sau 5 tiếng hoành hành kèm theo mưa to, gió lớn đã phá tan hoang nhà cửa, cây cối. Toàn buôn có 47 nhà dân, nhưng sập đổ hoàn toàn 15 cái, còn lại đều bị tốc mái. 

Lực lượng vũ trang huyện Krông Bông giúp dân sửa lại nhà cửa sau bão.
Lực lượng vũ trang huyện Krông Bông giúp dân sửa lại nhà cửa sau bão.

Anh Y Thâu Mdrang (buôn Tar) ngậm ngùi cho biết, gia đình mới vay ngân hàng 30 triệu đồng để sửa chữa ngôi nhà, mới ở chưa bao lâu thì bão ập đến, làm sập và hư hỏng hết đồ đạc trong nhà, cũng may gia đình không ai bị thương, chỉ có anh bị tấm tôn bay vào làm rách trán; còn 1,5 ha cà phê ngoài rẫy thì bị ngập, gãy đổ hết. Bây giờ gia đình không biết trông chờ vào cái gì để trả nợ ngân hàng và làm lại nhà cửa... 

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Krông Bông,  tính đến ngày 5 -11, trên địa bàn huyện đã có 720 nhà bị sập, tốc mái; hơn 1.500 ha cây trồng bị thiệt hại; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng… Hiện bão đã tan nhưng nhiều diện tích cây trồng vẫn bị ngập trong nước hoặc ngã đổ không có khả năng phục hồi.

 

Chính quyền các cấp đã có những chỉ đạo khắc phục thiệt hại kịp thời; UBND tỉnh đánh giá rất cao công tác 4 tại chỗ của các địa phương. Hiện tỉnh đang rà soát đánh giá mức độ thiệt hại để kịp thời hỗ trợ nhân dân, đồng thời yêu cầu những địa phương bị thiệt hại nặng về nhà cửa phải khẩn trương có biện pháp lo cho dân có chỗ ở ổn định tạm thời. Tỉnh sẽ có kế hoạch để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại trong thời gian sớm nhất.

 

 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh 

Tại xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, có đến 150 nhà dân bị hư hỏng, hàng nghìn héc ta hoa màu bị hư hại, đặc biệt là rừng trồng, hầu hết diện tích rừng 2-3 tuổi bị gãy đổ hoàn toàn, thiệt hại lên đến trên  90%; 100 ha mía bị xóa sổ. Ông Y Đối Niê, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã bị thiệt hại rất lớn, không chỉ về nhà cửa mà còn về hoa màu, cây công nghiệp, rừng trồng. Hiện xã đang rà soát, thống kê lại tình hình để đánh giá mức độ thiệt hại và có giải pháp hỗ trợ cho người dân.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, theo thống kê sơ bộ của các huyện đến ngày 5-11, toàn tỉnh đã có 1 người chết (do nhà sập, ở xã Yang Mao, huyện Krông Bông), 7 người bị thương (huyện M’Đrắk 3 người, huyện Krông Bông 4 người); có 132 nhà bị sập (chủ yếu là nhà chưa kiên cố); 1.435 nhà dân, 5 trụ sở cơ quan và 11 trường học bị tốc mái; có 302 hộ dân phải di dời; nhiều trụ điện bị đổ, gãy; nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, cầu, cống bị trôi, hư hỏng gây chia cắt giao thông làm nhiều khu dân cư bị cô lập (có 2.323 hộ dân bị cô lập); một số công trình thủy lợi bị hư hỏng chưa thống kê cụ thể. Về sản xuất nông nghiệp, có 19.403 ha cây trồng các loại bị gãy, đổ và ngập lụt (555 ha lúa, trên 5.000 ha ngô, hoa màu các loại; 13.808 ha mía, sắn, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm), cùng nhiều diện tích cao su tập trung chủ yếu ở các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh.

Tập trung khắc phục hậu quả

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác đến các vùng trọng điểm thiên tai gồm huyện: M’Đrắk, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn và nhà cửa bị sập, hư hỏng nặng; UBND tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị lực lượng sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó khắc phục hậu quả trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh thăm hỏi một hộ dân bị sập nhà do bão số 12 tại buôn Tar, xã Yang Mao (huyện Krông Bông).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh thăm hỏi một hộ dân bị sập nhà do bão số 12 tại buôn Tar, xã Yang Mao (huyện Krông Bông).

Trước mắt, các địa phương bị thiệt hại đang tích cực triển khai các hoạt động khắc phục theo phương châm: huy động nguồn lực tại chỗ, đặc biệt ưu tiên việc sửa chữa nhà bảo đảm chỗ ở và sinh hoạt cho nhân dân; rà soát, thống kê tình hình thiệt hại về sản xuất nông nghiệp để báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai kịp thời.

Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, trước những thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão 12, lãnh đạo huyện đã kịp thời có mặt tại hiện trường, đồng thời điều động 1 đại đội dân quân cơ động trực tiếp xuống các xã giúp dân khắc phục hậu quả. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại để có giải pháp khắc phục bước đầu. Đối với nhà bị sập hoàn toàn, huyện huy động các lực lượng địa phương xây dựng các lều trại để người dân có chỗ ở tạm... Đồng thời, hỗ trợ bà con một số lương thực, thực phẩm thiết yếu, không để hộ nào đói trong dịp này. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ lực lượng để triển khai nhanh việc khắc phục này.

Nhân dân xã Yang Mao, huyện Krông Bông sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng sau bão
Người dân xã Yang Mao, huyện Krông Bông sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng sau bão.

Cũng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 4-11, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình sạt lở, ngập lụt tại các tuyến giao thông trọng điểm như tỉnh lộ 13 (đoạn qua huyện M’Đrắk); vị trí sạt lở, ngập trên Quốc lộ 26 (đoạn qua huyện M’Đrắk); Quốc lộ 27 đoạn qua huyện Cư Kuin. Đồng thời yêu cầu các đơn vị quản lý cầu đường bố trí nhân lực, vật tư, thiết bị để điều tiết giao thông, hạn chế phát sinh thêm các hư hỏng, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường.

Minh Thuận – Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc