Lưu giữ "hồn quê"
Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày đặt chân lên mảnh đất Krông Búk (nay là xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) nhưng trong tâm tưởng những người con đất Cố đô Huế vẫn canh cánh nỗi nhớ về vùng đất cổ kính, thơ mộng, với chùa miếu, lăng tẩm, sông Hương, núi Ngự…
Vùng đất níu chân người
Chúng tôi đến xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) khi hoa dã quỳ đã nở vàng rực hai bên đường dẫn vào trung tâm xã. Trong câu chuyện của người dân những ngày này đều xoay quanh chủ đề kỷ niệm 40 năm ngày thành lập xã. Kỷ niệm những ngày đầu thường được các cụ nhắc lại khi gặp nhau “Tôi cứ ngỡ như mới ngày hôm qua, ông có nhớ đợt cháy rừng nớ không? Toàn bộ lán ở, tranh tre chất đống để chuẩn bị làm nhà cháy sạch, may mà bà con còn chạy về kịp cứu một ít đồ ra khỏi lán” - bác Trần Văn Tương, một trong những người đầu tiên có mặt tại mảnh đất này cách đây 40 năm bồi hồi hoài niệm.
Bác Nguyễn Văn Khiển chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình. |
Dòng hồi tưởng của bác Tương đưa chúng tôi trở lại những ngày đầu gian khó nhưng đầy ắp kỷ niệm về một vùng đất mà người dân nơi đây nói vui là “Níu chân người”. Vào giữa tháng 4-1977, có 1.530 hộ dân, với hơn 10.000 khẩu, phần lớn là thanh niên xung phong của 11 phường và 6 xã vùng ven TP. Huế rời quê hương đến lập nghiệp trên vùng đất mới. Thanh niên xung phong phần lớn là những “cậu ấm, cô chiêu” ở phố thị lần đầu tiên đến với núi rừng, hành trang mang theo chỉ có tinh thần và khát vọng của tuổi trẻ. Khi đặt chân đến đây, tứ bề là rừng núi hoang vu, ban đêm tiếng gầm rú của thú rừng làm cho ai nấy đều sợ hãi; đường đi lối lại toàn đất đỏ bazan, mùa nắng bụi mịt mù, mùa mưa bùn đặc quánh. Nhiều người không chịu được cảnh khổ ải giữa núi rừng âm u đã trở về quê hương, số còn lại chỉ biết động viên nhau vượt qua khó khăn và cùng nhau đốn cây, cắt tranh dựng nhà, vỡ đất khai hoang... “Tôi không bao giờ quên được cảm xúc khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên, cái cảm giác ngon đến lạ lùng với những sản phẩm mộc mạc, đơn sơ do chính bàn tay mình cày cuốc, gieo trỉa” - bác Tương nhớ lại.
“Hồn Huế” giữa cao nguyên
Những năm đầu mới thành lập (năm 1997), chủ yếu là người dân đến từ TP. Huế, từ năm 1983-1989, có thêm người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa và miền núi phía Bắc di cư vào lập nghiệp. Tuy nhiên, người Huế ở đây chiếm tỷ lệ đông nhất (gần 90% dân số). Toàn xã có 32 thôn, 4.964 hộ, 17.716 khẩu, 16 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong những năm qua, xã Phú Xuân luôn đi đầu trong nhiều phong trào và là một trong hai xã điểm của huyện trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đến với Phú Xuân, du khách không chỉ bắt gặp nét văn hóa mang đậm cốt cách người dân xứ Huế mà còn có cơ hội được thưởng thức những món ăn “đặc sản” Huế. Hơn thế nữa, người Huế dù xa quê đã lâu nhưng vẫn giữ tính mực thước trong giao tiếp và sinh hoạt gia đình, chăm chỉ làm ăn, đùm bọc nhau khi hoạn nạn…”
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Hoàng Nông Trang
|
Mặc dù xa quê hương đã 40 năm nhưng với người dân xứ Huế ở mảnh đất Phú Xuân này vẫn còn giữ gần như vẹn nguyên nét đẹp văn hóa truyền thống của đất kinh thành xưa. Một trong những nét đẹp đó là thú vui chơi cây cảnh. Ghé thăm nhà bác Nguyễn Văn Khiển (60 tuổi, thôn Xuân Đoài) chúng tôi như được sống giữa đất Huế. Ngay ở ngõ ra vào dài gần 100 mét là hai hàng cau xanh mướt, thẳng tắp; trước ngôi nhà là khoảng sân rộng với rất nhiều cây cảnh, bonsai, tiếp đến là ao cá. Bác Khiển cho biết: “Mặc dù xa quê đã lâu nhưng chúng tôi vẫn giữ thú vui trồng và chăm sóc cây cảnh. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có vườn cảnh trước sân, với bonsai, non bộ và bức bình phong che chắn trước nhà”.
Một nét văn hóa truyền thống khác được người dân xứ Huế duy trì cho đến này hôm nay đó là tập tục đi lễ chùa vào dịp lễ, Tết. Chùa Kim Quang (tọa lạc tại thôn Xuân Đoài) được người dân lập nên từ buổi đầu lập nghiệp, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo nay đã khang trang, đẹp đẽ hơn. Theo Đại đức Thích Nguyên Thắng, Trụ trì Chùa Kim Quang (cũng là người dân gốc Huế), người Huế đi đâu cũng mang theo phong tục tập quán chịu ảnh hưởng lễ nghi cung đình triều Nguyễn. Trong tâm thức bà con luôn mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống của quê hương.
Một hoạt động văn hóa văn nghệ do xã tổ chức. |
Một trong những “đặc sản” không thể thiếu đối với người dân xứ Huế mỗi dịp Tết đến Xuân về là lễ hội bài chòi để nhớ về nguồn cội quê hương. Theo lời kể của các cụ cao niên, trò chơi này trước đây thường chỉ có những người lớn tuổi tham gia nhưng một vài năm gần đây, do được phổ biến rộng rãi nên thu hút được rất nhiều thanh - thiếu niên đến góp vui.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc