Multimedia Đọc Báo in

Tập trung nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội

08:28, 08/11/2017

Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, huyện Krông Năng đã tập trung nguồn lực, ưu tiên việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống. 

Sau 8 năm tham gia quân ngũ tại Tiểu đoàn D23, Sư 367, Quân chủng Phòng không Không quân, năm 1976 ông Hà Văn Lương xuất ngũ về công tác trong ngành Y một thời gian, đến năm 1992 nghỉ hưu và chuyển vào sinh sống tại tổ dân phố 3, thị trấn Krông Năng. Bản thân ông là thương binh hạng 4/4, vợ là cựu thanh niên xung phong, sức khỏe yếu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, gia đình ông được quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện và thị trấn Krông Năng hỗ trợ 40 triệu đồng, người thân, dòng họ giúp đỡ thêm để xây dựng căn nhà Tình nghĩa khang trang, có nơi ở ổn định.

Cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng thăm hỏi gia đình thương binh Hà Văn Lương trong căn nhà Tình nghĩa.
Cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng thăm hỏi gia đình thương binh Hà Văn Lương trong căn nhà Tình nghĩa.

Không có vốn liếng, đất canh tác ít, người con đầu lại bị bệnh hiểm nghèo nên cuộc sống của gia đình chị Lê Thị Thúy ở thôn Xuân Đoàn (xã Phú Xuân) gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, gia đình chị được quỹ Vì người nghèo xã hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm để xây dựng căn nhà Đại đoàn kết rộng 70 m2. Ngoài ra, thông qua sự tín chấp của các đoàn thể, gia đình chị được vay tổng cộng 35 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi heo, tích lũy vốn đầu tư trồng 1,3 sào tiêu. Nhờ sự trợ giúp đó, gia đình chị đã được “an cư” và thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn đối tượng khó khăn trên địa bàn huyện Krông Năng đã được hỗ trợ, giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Để chăm lo, nâng cao đời sống người dân, những năm qua, huyện Krông Năng đã nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội và huy động thêm các nguồn lực trợ giúp các đối tượng yếu thế. Để thực hiện chương trình giảm nghèo, hằng năm, huyện ban hành kế hoạch, tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo nhằm có hướng giúp đỡ hiệu quả.

Ông Hồ Minh Tuy, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền quay vòng trên 250 tỷ đồng, được hỗ trợ học nghề, cấp thẻ BHYT, cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ làm nhà, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương…

Căn nhà Đại đoàn kết của gia đình chị Lê Thị Thúy do Quỹ vì người nghèo xã Phú Xuân hỗ trợ xây dựng.
Căn nhà Đại đoàn kết của gia đình chị Lê Thị Thúy do Quỹ vì người nghèo xã Phú Xuân hỗ trợ xây dựng.

Cùng chung tay, chia sẻ khó khăn với người nghèo còn có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể địa phương bằng những chương trình, hoạt động thiết thực như xây dựng tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, hũ gạo tình thương, giúp nhau vốn, ngày công, cây, con giống, tổ chức thăm, tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí, tu sửa đường giao thông, hỗ trợ xây dựng nhà ở… tạo thành “đòn bẩy” trợ giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao, không còn hộ chính sách có công thuộc diện nghèo, cận nghèo. Đến đầu năm 2017, toàn huyện chỉ còn 3.859 hộ nghèo, chiếm 13,4%; hộ cận nghèo còn 4.760 hộ, chiếm 14,57%.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.