Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện tiêu chí môi trường ở xã Ea Nuôl: Cần nguồn lực đầu tư

08:14, 21/11/2017

Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, dù đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tiêu chí môi trường, nhưng đến nay vấn đề ô nhiễm môi trường sống vẫn là khó khăn, thách thức để xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) sớm đạt chuẩn nông thôn mới.  

Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thứ 17 về môi trường được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Mục tiêu chung của tiêu chí này là nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, Ea Nuôl là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 2/3 số dân, hầu hết vẫn giữ tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông. Hiện nay, người dân đang phát triển chăn nuôi khá mạnh với 2.580 con trâu, bò, trên 8.900 con heo và 88.000 con gia cầm các loại. Thế nhưng, chuồng trại chỉ được làm tạm bợ ngay cạnh nhà ở và khu vực sinh hoạt của gia đình, thậm chí nhiều hộ còn tận dụng gầm sàn nhà làm nơi nuôi nhốt.

Từ thực tế đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn đang là vấn đề đáng quan tâm, mối lo ngại của nhiều người và thách thức lớn đối với chính quyền địa phương. Bà H’Lách Êban (buôn Ko Đung A) chia sẻ: “Nhà tôi nuôi 10 con bò  nhưng do chuồng trại còn tạm bợ nên phải nhốt nửa đàn ở dưới gầm sàn nhà. Dù đã được cán bộ địa phương tuyên truyền vận động xây dựng lại chuồng kiên cố, nhốt xa nhà để tránh làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vì kinh tế gia đình còn khó khăn nên chưa thực hiện được”.

Chị H'Nơk ở buôn Ko Đung A dùng nước giếng khoan của hàng xóm để phục vụ  sinh hoạt trong gia đình.
Chị H'Nơk ở buôn Ko Đung A dùng nước giếng khoan của hàng xóm để phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Ngoài tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi thì chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh cũng đang là một thách thức đối với xã Ea Nuôl. Hiện trên địa bàn xã mới chỉ có gần 100 hộ dân được dùng nước từ 2 công trình cấp nước tập trung ở buôn Niêng 3 và thôn Tân Phú. Các hộ dân còn lại vẫn phải dùng nước giếng khoan, giếng đào không bảo đảm vệ sinh; hơn thế nữa, do mực nước ngầm ngày càng cạn kiệt vào mùa khô nên có nơi người dân phải đi xin nhờ hoặc lấy nước ở các ao hồ, sông suối để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Ở buôn Ko Đung A nhiều hộ gia đình khó khăn không có điều kiện khoan giếng nước nên mùa mưa đi lấy nước suối về dùng, mùa nắng khô hạn thì xin dùng nước giếng khoan chung, trung bình mỗi tháng phải trả khoảng 40 nghìn đồng. Song song đó, vấn đề thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ dân vẫn chưa bảo đảm vệ sinh. Chỉ một số ít hộ ký kết trực tiếp với Công ty TNHH Hoàng Phương Nam thu gom trên trục đường chính liên xã, còn lại hầu hết vẫn xử lý bằng cách chôn lấp, đốt và thải ra các khu đất trống...

Có thể nói, nguyên nhân gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí môi trường ở xã Ea Nuôl ngoài nhận thức của một bộ phận người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao thì việc thiếu kinh phí, nguồn ngân sách hỗ trợ cho địa phương thực hiện tiêu chí này chưa được chú trọng. Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch xã Ea Nuôl cho biết: “Việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện tiêu chí môi trường ở xã đang là nhu cầu bức thiết, nhất là hệ thống công trình nước sạch để phục vụ người dân. Qua thực tiễn triển khai, có thể thấy, để đạt tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới rất cần sự nỗ lực chung sức thực hiện của toàn thể nhân dân”.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay xã Ea Nuôl mới đạt được 9/19 tiêu chí. Để sớm đạt được tiêu chí môi trường, bên cạnh việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi nhận thức, tập quán, thói quen sinh hoạt nhằm bảo vệ  môi trường thì địa phương đang rất cần sự quan tâm đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn; đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường.

Theo quy định, xã nông thôn mới ở khu vực Tây Nguyên phải có từ 95% trở lên số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định, trong đó có trên 50% hộ sử dụng nước sạch, nhưng đến nay xã Ea Nuôl có chưa đến 50% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.


Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.