Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng ưu đãi tiếp sức cho người nghèo

10:03, 13/11/2017

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Vốn tín dụng từ NHCSXH với ưu điểm thời hạn cho vay dài, lãi suất cho vay thấp (chỉ từ 0,25%/tháng đến 0,75%/tháng tùy chương trình cho vay), hộ vay không phải thế chấp, thủ tục đơn giản đã tạo điều kiện để các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.

Cán bộ buôn Mlốc B, xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay ưu đãi hộ nghèo của một gia đình trong buôn.
Cán bộ buôn Mlốc B, xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay ưu đãi hộ nghèo của một gia đình trong buôn.

Gia đình anh Y Nheo Bkrông là hộ nghèo ở buôn Ja, xã Ea Trul (huyện Krông Bông). Được Hội Nông dân xã tín chấp, năm 2007 và năm 2010, gia đình anh đã vay tổng cộng 18 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo của NHCSXH đầu tư chăn nuôi dê và bò. Nhờ chăm chỉ, chịu khó chăm sóc, đàn bò, dê của gia đình ngày càng phát triển. Năm 2015, vợ chồng anh đã xây dựng được nhà, có chỗ ở ổn định và thoát khỏi danh sách hộ nghèo của buôn.

Hay như gia đình anh Nguyễn Hồng Bảo ở thôn 2, xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) cũng vươn lên từ vốn vay NHCSXH. Từ nguồn vốn vay 60,5 triệu đồng trong các năm 2012, 2013 và 2016, gia đình anh đã đầu tư cải tạo lại 5 sào cà phê già cỗi, đào giếng, xây dựng công trình vệ sinh, phát triển chăn nuôi bò, gà và lo chi phí cho con vào đại học. Anh Bảo cho hay, sau khi giải ngân nguồn vốn, tổ tiết kiệm và vay vốn và Hội Nông dân xã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nên các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

 
“Từ 3 chương trình tín dụng chính sách khi mới thành lập với tổng nguồn vốn cho vay cuối năm 2002 là 102 tỷ đồng, đến nay, NHCSXH đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn 3.976 tỷ đồng (tăng 38 lần so với năm 2002). Tổng doanh số cho vay trong 15 năm qua là 9.209 tỷ đồng, với 748.573 lượt khách hàng vay vốn”  
 
Ông  Nguyễn Minh HướngPhó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh

Để đưa nguồn vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng, ngoài Văn phòng Chi nhánh tỉnh, 14 phòng giao dịch cấp huyện, NHCSXH còn thành lập 183 điểm giao dịch đặt tại các xã, phường, thị trấn. Vào một ngày cố định trong tháng, NHCSXH thành lập tổ giao dịch lưu động được trang bị đầy đủ các công cụ, thiết bị để thực hiện các nghiệp vụ giao dịch với khách hàng như một ngân hàng thu nhỏ: cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, xử lý nợ, giao ban với hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn…

Ngoài ra, NHCSXH còn ký kết chương trình cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và mạng lưới gồm 4.340 tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, buôn, tổ dân phố. Các hộ tham gia vào tổ tiết kiệm không chỉ được vay vốn mà còn được tương trợ, giúp đỡ trong sản xuất và đời sống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để sử dụng đồng vốn hiệu quả, tăng thu nhập.

Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk giao dịch tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk giao dịch tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá: Tín dụng ưu đãi đã thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều gia đình, giúp họ cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống và là một điểm sáng trong chính sách giảm nghèo, góp phần giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Nhờ nguồn vốn này, từ năm 2003 đến cuối 2016, toàn tỉnh đã có 214.807 hộ thoát nghèo; tạo việc làm 8.574 lao động; 14.401 hộ có cơ hội “an cư”…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.