Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống mới ở Ea Tul

09:58, 29/12/2017

Những con đường được thảm nhựa, bê tông sạch sẽ, nhiều nhà xây mọc lên san sát, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, bề thế cho thấy một diện mạo mới no ấm, vui tươi ở xã Ea Tul (huyện Cư M’gar)…

Làm giàu từ cây trồng chủ lực

Thật không ngoa khi gọi Y Wưn Ayun (Ama Suê – 60 tuổi) là “đại gia” của buôn Sah A (xã Ea Tul) khi ông có 7 ha cà phê, 20 ha cao su, 1 ha tiêu, từng được đi báo cáo điển hình sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện, tỉnh và cả Trung ương. Những ngày đầu khởi nghiệp, Ama Suê đã không ngừng tìm tỏi, học hỏi, tham quan các mô hình thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ban đầu vợ chồng ông trồng hoa màu, chăn nuôi heo gà “lấy ngắn nuôi dài”. Số vốn tích lũy được Ama Suê không tiêu xài phung phí mà dành trả nợ và mua đất trồng cao su, cà phê, tiêu. Năm 1990, gia đình Ama Suê là hộ đầu tiên trong buôn xây được nhà trị giá 7 cây vàng. Đến nay, mỗi ngày nhà Ama Suê thu tiền triệu từ mủ cao su, mỗi năm có trên dưới 20 tấn cà phê nhân…, ông là một trong những “tỷ phú chân đất” của buôn. Nhờ chăm chỉ làm ăn, vợ chồng Ama Suê đã tậu được 2 chiếc xe ô tô, xây thêm nhà, nuôi 4 con học đại học. Không chỉ làm giàu cho mình, Ama Suê còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng; cho các hộ vay vốn và hướng dẫn cách làm ăn. Nhờ vậy, nhiều hộ trong buôn đã vươn lên thoát nghèo, mua được ô tô, xe máy cày phục vụ sản xuất, 95 hộ đã có nhà xây.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Ea Tul (bìa phải) thăm cơ ngơi khang trang của gia đình ông Y Wưn Ayun.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Ea Tul (bìa phải) thăm cơ ngơi khang trang của gia đình ông Y Wưn Ayun.

Nhớ lại những ngày đầu gian khó, anh Y Yô Ayun (Ama Hani) ở buôn Sah B không dám mơ gia đình mình sẽ có cuộc sống đủ đầy như hôm nay. Từ 5 sào cà phê, vợ chồng anh đã trồng xen hoa màu, chi tiêu tằn tiện để mua thêm rẫy. Đến nay, gia đình Ama Hani đã có 3 ha cà phê trồng xen sầu riêng, bơ boot và 1.000 trụ tiêu. Mỗi năm, Ama Hani thu nhập trên 400 triệu đồng. Vợ chồng Ama Hani đã xây được căn nhà khang trang, mua sắm các tiện nghi phục vụ sinh hoạt, sản xuất và nuôi 4 con học trung cấp, đại học. Ama Hani còn phát huy tốt vai trò Chi hội trưởng Hội Nông dân buôn Sah B, tín chấp cho 58 hộ vay vốn, hướng dẫn cách trồng xen, ghép cải tạo vườn cà phê, gương mẫu đóng góp và vận động người dân, hội viên đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông…

Không chỉ gia đình Ama Suê, Ama Hani, ở Ea Tul còn rất nhiều hộ vươn lên làm giàu từ cây trồng chủ lực của địa phương và trở thành “đại gia” của xã như: Y Đhiăm Ayun, Y Siêm Niê, Y Khắt Niê, Ama Ren, Y Jer Ktla, Y Suê Ktla…

“Khoác áo mới” cho buôn làng

Theo ông Lê Huy Ba, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Tul, nhờ phát huy ưu thế là vùng chuyên canh cây cà phê trọng điểm của huyện với trên 4.230 ha, năng suất trung bình từ 2,5 – 3 tấn/ha, cùng các loại cây công nghiệp khác như cao su hồ tiêu, điều… đã giúp đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở 13 thôn, buôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,92%, cận nghèo còn 6,5%; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường; 9/13 buôn được huyện công nhận buôn văn hóa…

Ea Tul ngày càng mang dáng dâp của phố thị.
Ea Tul ngày càng mang dáng dâp của phố thị.

Có được thành quả đó, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của người dân, xã Ea Tul còn nhận được sự quan tâm, đầu tư về nhiều mặt của Nhà nước như: xây dựng đường giao thông từ huyện đến xã và các thôn, buôn; 3 hồ thủy lợi phục vụ tưới tiêu; đường điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở theo các Chương trình 132, 134, 167. Để giúp người dân phát triển sản xuất, từ các nguồn vốn khác nhau, xã đã triển khai xây dựng 17 mô hình nuôi bò lai, 7 mô hình tưới nước tiết kiệm, cấp cây giống cho hộ nghèo, tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo, tín chấp vay vốn với tổng dư nợ trên 22 tỷ đồng, khuyến khích người dân tham gia mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ…

Bên cạnh đó, người dân các thôn, buôn của xã Ea Tul còn tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, người dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp gần 3.000 ngày công và 2,6 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần giúp xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.