Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay Ea Sin

09:57, 29/12/2017

Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk nhưng những năm qua, với sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Ea Sin đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2008, xã Ea Sin được thành lập trên cơ sở tách các buôn của hai xã Cư Pơng và Cư Né, với 13 thành phần dân tộc anh em (trong đó 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số). Những năm đầu thành lập, xã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn như: thiếu cơ sở vật chất văn hóa, trường học; hạ tầng giao thông hầu hết là đường đất, cách trở. Trong khi đó, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, ngô, sắn. Do tập quán canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng thấp nên cuộc sống của người dân luôn thiếu trước hụt sau; hộ nghèo chiếm trên 80%…

    Chủ tịch  UBND xã  Ea Sin  Phạm Văn Cháng  (bìa phải) đang  tuyên truyền người dân không  kinh doanh hàng nhái, hàng kém  chất lượng.
Chủ tịch UBND xã Ea Sin Phạm Văn Cháng (bìa phải) đang tuyên truyền người dân không kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã Ea Sin đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa bằng các giải pháp như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất như cà phê, tiêu, điều, sầu riêng…; thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Hướng đi đúng đắn này đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó thay đổi thói quen canh tác của nông dân.

Theo ông Phạm Văn Cháng, Chủ tịch UBND xã Ea Sin, để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải đi đầu, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để quần chúng noi theo. Điển hình phải kể đến các đồng chí: Hoắc Công Vằng (Trưởng thôn Ea My), Nguyễn Văn Phương (đảng viên thôn Ea My), Trần Quang Khải (Bí thư chi bộ buôn Ea Kring)…, đã mạnh dạn đầu tư các giống cây có năng suất, giá trị cao như tiêu, sầu riêng, bơ về trồng xen trong vườn cà phê để tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay các hộ này có thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, họ còn thường xuyên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nhiều hộ dân khác trong thôn, buôn mình.

Một góc xã Ea Sin phát triển khá sầm uất.
Một góc xã Ea Sin phát triển khá sầm uất.

Khi đời sống kinh tế của nhân dân phát triển, việc huy động sức dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn cũng thuận lợi hơn. Được sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, từ năm 2016 đến nay, người dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 2.000 m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động để bê tông hóa 1,5 km đường liên buôn Ea Kring - Ea Kap và 700 m đường liên thôn Ea My - Cư Klang. Cùng với đó, người dân ở các thôn, buôn còn vận động đóng góp tiền, công sức để tu sửa, mở rộng và làm cấp phối hầu hết các đường làng, ngõ xóm trong xã, giúp việc giao thương, đi lại được thuận lợi hơn.

Xã đã có trụ sở hành chính kiên cố; 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% người dân được sử dụng điện; các tuyến đường dẫn đến trung tâm xã đã được rải nhựa và bê tông hóa khang trang; 100% thôn, buôn trong xã đều có nhà văn hóa đạt chuẩn. Xã còn được đầu tư xây dựng 1 trường mầm non và Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Tiểu học - THCS Bùi Thị Xuân, góp phần đáp ứng nhu cầu phổ cập giáo dục trên địa bàn… Năm 2017, tổng thu ngân sách xã được gần 5,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người ước khoảng 18 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 50,7%, giảm 5,6% so với năm 2016.

“Mừng nhất là hầu hết người dân trong xã Ea Sin đều đã biết đầu tư vào việc thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế; không nghe và không làm theo những lời lừa phỉnh của kẻ xấu. Nhờ đó mà tình hình an ninh trật tự luôn ổn định, ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo và trở nên khá giả”, ông Phạm Văn Cháng phấn khởi nói.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.