Lang thang hủ tiếu đêm
Không biết từ khi nào những chiếc xe hủ tiếu đã trở thành một phần không thể thiếu trong nếp sinh hoạt về đêm ở phố núi Ban Mê. Đó không chỉ là món ăn bình dân được nhiều người yêu thích mà còn là sinh kế của những người từ miền quê nghèo miền Trung...
Tha hương cùng hủ tiếu gõ
Chỉ cần một chiếc xe hủ tiếu, thêm vài bộ bàn ghế “cắm” vào một địa điểm nào đó trên vỉa hè giữa lòng thành phố, thế là bắt đầu cuộc mưu sinh. 10 giờ đêm, đường phố đã vắng người qua lại nhưng bên xe hủ tiếu ở ngã tư Ngô Quyền - Lý Tự Trọng, những chiếc bàn vẫn chật kín người.
Anh Võ Văn Hậu (quê ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) bận rộn nhúng hủ tiếu, thái từng lát bò viên, bưng ra cho các thực khách. Với hơn 9 năm bán hủ tiếu gõ, anh Hậu được coi là người có thâm niên nhất trong nghề ở Buôn Ma Thuột. Khi khách đã vãng, anh Hậu chậm rãi kể về thuở mới vào nghề: “Tôi vốn là hạ sĩ quan, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là con trai trưởng trong nhà 9 anh chị em nên phải rời quân ngũ để lo cho các em. Lúc đầu, tôi phải đi xe đạp đến từng ngõ hẻm gõ lốc cốc mời từng tô hủ tiếu. Cứ như thế sau một năm, khi khách đông dần, tôi bán tại chỗ. Tiếng gõ hủ tiếu không còn vang lên nữa, nhưng cái tên “hủ tiếu gõ” vẫn mãi gắn liền như một nét đặc biệt của món ăn này”.
Cũng theo anh Hậu, hủ tiếu ngon phải do người Quảng Ngãi nấu. Buôn Ma Thuột hiện có hơn 30 người làm nghề bán hủ tiếu là người Quảng Ngãi. Một người bán, thấy thu nhập ổn định lại dìu dắt anh em trong nhà, họ hàng, bạn bè cùng đến mưu sinh với nghề.
Qua 10 giờ đêm, món hủ tiếu vẫn thu hút đông thực khách. |
Ở góc đường Phạm Ngũ Lão, chiếc xe hủ tiếu ít nhộn nhịp hơn. Dù đã gần nửa đêm nhưng xương, thịt, sợi hủ tiếu vẫn đầy ắp trong tủ kính. Anh Lê Long (quê ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi) nói giọng buồn buồn: “Hôm nay khách ít, chắc đến 1 giờ đêm mới bán hết từng này”. Anh Long kể, đa phần những người bán hủ tiếu ở đây đều là do anh “rủ rê”. Anh nhẩm tính đến 16 người là dân ở xã Phổ Khánh. “Bán hủ tiếu tưởng chỉ bận rộn về đêm nhưng thực ra là gần như cả ngày để chuẩn bị. Cứ 4 giờ chiều là kéo xe ra, bán đến 1 giờ sáng. Ngủ được một lát lại đi chợ sớm mua nguyên liệu, tất bật chuẩn bị đến trưa cho một ngày bán mới” – anh Long nói. Dẫu cùng quê nhưng do đặc thù của nghề bán hủ tiếu, mỗi người lại thuê trọ mỗi nơi. Niềm vui của những người con tha hương ấy là những dịp hội họp cùng nhau, chia sẻ nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống.
Vui, buồn với nghề
Theo anh Lê Hoàng Diệu bán hủ tiếu ở chợ đêm đường Phan Bội Châu thì nghề này mỗi ngày bán lãi từ 250.000 đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, bán hủ tiếu không phải hôm nào khách cũng đông và suôn sẻ. “Những ngày mưa, dù căng bạt che nhưng mưa to vẫn cứ hắt vào. Có hôm bán mà người ướt hết, hôm sau bị cảm mà không dám nghỉ bán. Nhưng sợ nhất vẫn là những vị khách say xỉn, đập phá hết đồ dùng trong quán. Lúc đó chỉ biết đứng nhìn mà không dám làm gì”, anh Diệu buồn rầu nói.
Nhưng cũng có những vị khách mang đến niềm vui bình dị cho họ sau một ngày dài mưu sinh. Anh Lê Long kể, thỉnh thoảng có vài bác xe ôm “nghệ sĩ” ôm đàn ghi ta đến chơi. Anh cùng họ lại cất lên những giai điệu tình ca… Được tiếp xúc và trò chuyện với những vị khách lạ giúp họ có thêm những người bạn mới, cuộc sống nơi đất khách bỗng chốc thêm nhiều dư vị ấm áp hơn.
Cuộc sống tha hương với nghề bán hủ tiếu dẫu còn đó những vất vả nhưng cũng giúp họ có được cuộc sống ổn định. “Điều mong muốn nhất của vợ chồng tôi là mua một ngôi nhà nhỏ ở đây để “an cư lạc nghiệp”. Dù ước mơ ấy còn xa lắm, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng từng ngày”, anh Hậu bộc bạch.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc