Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Góp phần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về BHYT, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Y tế tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế.
Đây là giải pháp không thể thiếu để hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ giao hằng năm, góp phần thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
Có thể nói, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền thực hiện các chính sách, pháp luật về BHYT trong các năm qua đã được tỉnh Đắk Lắk triển khai một cách quyết liệt. Tỉnh ủy ban hành Chương trình 21-Ctr/TU ngày 18-1-2013, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND ngày 3-12-2015 về hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh ban hành 10 văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Sở Y tế, BHXH tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở KCB trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, chú trọng công tác phục vụ người bệnh, nhằm từng bước để người bệnh yên tâm, tin tưởng tham gia BHYT.
Khám chữa bệnh BHYT cho người dân tại Trạm Y tế phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ. Ảnh: K. Oanh |
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan của ngành y tế, BHXH tỉnh, tạo chuyển biến tích cực, góp phần giảm thời gian làm các thủ tục hồ sơ về thẻ BHYT và KCB BHYT, hạn chế phiền hà cho người bệnh. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB đã được triển khai như: Hoàn thiện quy trình khám bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế thành lập các tổ tiếp đón bệnh nhân, nâng cao chất lượng hoạt động của các khoa lâm sàng, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Ngành y tế đã thực hiện chỉ đạo tuyến và Đề án 1816 tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến dưới, mở các lớp đào tạo bồi dưỡng phát triển kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử, giao tiếp của nhân viên y tế; hằng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân.
BHXH tỉnh triển khai hệ thống giám định BHYT điện tử, giao dịch điện tử nhằm tối ưu hóa công tác giám định hồ sơ KCB BHYT; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm những biểu mẫu không cần thiết, rút ngắn thời gian giao dịch của các đơn vị. Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử đi vào hoạt động đã giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử KCB của người bệnh tham gia BHYT và quản lý thông tuyến trong phạm vi toàn tỉnh, giúp việc thanh toán chi phí KCB BHYT hiệu quả, kịp thời. Công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong thực hiện các chế độ chính sách về BHYT. Năm 2016, BHXH tỉnh đã thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT trực tiếp với 31 cơ sở y tế; 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn gián tiếp ký hợp đồng KCB BHYT qua bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố. Việc quản lý quỹ KCB BHYT cũng được thực hiện minh bạch, công khai, không để xảy ra tình trạng trục lợi quỹ BHYT, lạm dụng kỹ thuật và thuốc chữa bệnh. Đơn vị cũng triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm soát việc thực hiện các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, chống lạm dụng thuốc, kỹ thuật, xét nghiệm, sử dụng kỹ thuật của các trang thiết bị xã hội hóa trong quá trình KCB; bảo đảm quyền lợi của người bệnh có BHYT trên toàn tỉnh.
Nguyễn Thị Xuân
(Phó Giám đốc BHXH tỉnh)
Ý kiến bạn đọc