Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo học sinh trọ học

08:03, 05/01/2018

Do nhà xa, nhiều học sinh THPT ở huyện Cư M’gar phải thuê nhà trọ gần trường để học. Cuộc sống xa nhà không chỉ khiến đời sống vật chất, tinh thần của các em thiếu thốn mà còn kéo theo nhiều nỗi lo cho gia đình và nhà trường…

Ở buôn Sang, xã Ea H’đing là nơi tập trung khá nhiều các khu nhà cho học sinh Trường THPT Trần Quang Khải thuê trọ học. Theo phản ánh của một số người dân trú trong vùng thì tình hình an ninh trật tự tại các khu nhà trọ này tương đối phức tạp. Một số em thường tổ chức nhậu nhẹt, đi chơi khuya, thậm chí là đánh nhau… gây mất trật tự. Nguyên nhân là do một số chủ nhà trọ thiếu quan tâm khuyên bảo các em học sinh thuê trọ; một số người ở nơi khác có đất gần trường đã xây phòng cho học sinh thuê, lấy tiền đầu tháng, phó mặc cho học sinh tự do tùy thích nên dễ phát sinh những vấn đề ngoài tầm kiểm soát.

Bố mẹ em Phan Quang Huy (lớp 11A11, Trường THPT Cư M’gar) từ xã Ea Kiết lên thị trấn Quảng Phú thăm, động viên con trọ học.
Bố mẹ em Phan Quang Huy (lớp 11A11, Trường THPT Cư M’gar) từ xã Ea Kiết lên thị trấn Quảng Phú thăm, động viên con trọ học.

Em Phan Quang Huy (học sinh lớp 11A11, Trường THPT Cư M’gar) nhà ở thôn 7, xã Ea Kiết hiện đang thuê phòng trọ của một hộ dân trên đường Lê Quý Đôn, thị trấn Quảng Phú cho hay, dãy trọ em đang ở tách biệt với nhà chủ, gồm có 10 phòng với 20 học sinh trọ học. Tại đây rất ít khi chủ nhà đến kiểm tra nên học sinh ở trọ cũng khá dễ dãi về thời gian. Xung quanh trường cũng có khá nhiều nhà trọ cho học sinh thuê. Chuyện các bạn sang phòng trọ của nhau chơi rồi ở lại qua đêm diễn ra thường xuyên, không ai quản lý, nhắc nhở.

Còn em Nguyễn M. (học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Hữu Trác) nhà ở xã Quảng Hiệp, ở trọ đường Y Ngông Niê (thị trấn Quảng Phú) kể: Trong khu nhà trọ có một số bạn nam cùng trường thường xuyên bỏ học chơi game, cá độ bóng đá. Trong số đó có một bạn đang học lớp 11 (nhà ở xã Quảng Hiệp), do ham chơi đã cầm cố hết những vật dụng ba mẹ mua sắm cho như: bếp gas mini, nồi cơm điện, điện thoại di động... Vừa qua, bố mẹ biết chuyện không cho đi học nữa, bắt về nhà làm thợ nề.

Một buổi học thể dục ngoại khóa của các em học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Quang Khải.
Một buổi học thể dục ngoại khóa của các em học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Quang Khải.

Chị Nguyễn Thị Hằng, mẹ của Huy chia sẻ: “Do nhà ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nên gia đình đành phải cho con ở trọ để thuận tiện cho việc học tập. Gia đình cũng rất lo sợ các cháu sống xa nhà rồi sa đà ăn chơi bời lêu lổng, bỏ bê việc học tập. Thỉnh thoảng có dịp lên trung tâm huyện vợ chồng tôi mới ghé vào thăm nom, bảo ban, động viên cháu. Thương và lo cho con nhưng không còn cách nào hơn…”.

Thầy Lê Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải cho biết, nhà trường hiện có tổng số 893 học sinh, hầu hết các em đều trú tại các xã Ea H’đing, Ea Kiết, Ea Kuêh và Ea Tar. Hằng năm có khoảng trên dưới 30 học sinh thuê phòng trọ của các hộ dân gần trường để học. Cuộc sống ở trọ của học sinh đã dẫn đến không ít chuyện đáng lo ngại. Hằng năm, nhà trường luôn chú trọng việc giáo dục và trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng sống cần thiết cho học sinh. Đối với những học sinh ở trọ, nhà trường cũng thường xuyên thăm nom và đề nghị lực lượng công an xã, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra công tác cho thuê trọ, yêu cầu các chủ nhà trọ phải ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn tệ nạn xã hội... Tuy nhiên, việc các em thuê trọ là ngoài phạm vi quản lý của nhà trường nên rất khó có thể giám sát được các em, đặc biệt là khi các xóm trọ về đêm…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.