Multimedia Đọc Báo in

Có một chợ phiên trên đất Ea Wy

08:14, 12/02/2018

Hơn 30 năm qua, người dân tộc Tày - Nùng ở tỉnh Cao Bằng đã đưa nhau vào sinh sống và định cư ở xã Ea Wy (huyện Ea H’leo). Đến vùng đất mới, truyền thống văn hóa đặc sắc quê hương Cao Bằng cũng được họ gìn giữ, phát huy.

Xã Ea Wy có hơn 3.000 hộ dân với khoảng 13.000 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Tày - Nùng chiếm hơn 65%. Sau thời gian ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, họ đã mở một phiên chợ vùng cao như ở quê hương Cao Bằng. Chợ phiên nơi đây được biết đến với những nét đặc trưng về đời sống, văn hóa của người Tày - Nùng.

Vào ngày chợ phiên, khi mặt trời còn chưa ló dạng, những người bán hàng đã chọn cho mình một góc chợ, đặt chiếc bao tải nhỏ, trải hàng ra bán. Phía trong chợ, các gian hàng cũng khá đơn sơ, chỉ là chiếc lán nhỏ dựng bằng gỗ. Chợ phiên Ea Wy họp định kỳ 5 ngày một lần, ai có gì thì mang ra bán. Hàng hóa ở chợ  hầu hết đều là sản vật gia đình tự sản xuất, nuôi trồng. Đó có thể là nải chuối, bao gạo, lưỡi cuốc, con dao… Việc mua và bán ở đây cũng diễn ra nhẹ nhàng, ai nấy đều vui vẻ, không cò kè giá cả.

Gian bán sợi mì  Cao Bằng tại phiên chợ.
Gian bán sợi mì Cao Bằng tại phiên chợ.

Dãy hàng ăn có lẽ là nơi đông đúc nhất chợ với những tô phở nghi ngút khói hấp dẫn thực khách, hay các thúng bánh đúc, bánh ít, bánh ướt trải dài khắp lối đi. Là món ăn được nhiều người yêu thích, phở Cao Bằng đặc biệt bởi các sợi được làm thủ công, bằng tay và được phơi khô nên ăn có vị dai, bùi và thơm ngon. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là dãy hàng bán rượu. Những người đàn ông lần lượt thử rượu, người mua người bán niềm nở mời chào. Tiếng cười nói hòa vào trong không khí se lạnh đầu xuân, ấm áp lạ kỳ. Có người khi chợ tan cũng là lúc say khướt, phải nhờ người thân dìu về.

Mỗi phiên chợ họp, không chỉ người dân trong vùng mà các vùng lân cận cũng háo hức tìm đến. Họ đến chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn để gặp nhau, cùng trò chuyện, uống chén rượu, ăn bát phở Cao Bằng để nhớ về quê hương...

Nét đặc sắc của chợ phiên Ea Wy không thể thiếu những gian hàng bày bán các sản phẩm truyền thống của người dân tộc Tày - Nùng. Đó là những mặt hàng thổ cẩm nhiều màu sắc với những túi đeo, giày khăn được cắt, thêu tay tinh xảo; là các nông cụ được rèn thủ công với hàng chục mẫu mã như dao, rựa, rìu, búa, cào cỏ…

Là người gắn bó với vùng đất này từ những ngày đầu, bà Nông Thị Ý, Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Wy cho biết, cuộc sống ngày càng phát triển, chợ phiên Ea Wy cũng có nhiều đổi thay. Ngày càng ít dần cảnh các mẹ, các chị xúng xính trong những bộ váy, các anh tươm tất trong trang phục truyền thống dân tộc đến dự. Những gian hàng bán đồ điện tử, quần áo, giày dép của người Kinh xuất hiện nhiều, nhưng cũng không vì thế mà đánh mất nét độc đáo riêng của chợ phiên Ea Wy.

Những sắc màu đầy cuốn hút của phiên chợ người đồng bào dân tộc Tày - Nùng giao thoa cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn đã tạo nên một phiên chợ vùng cao độc đáo giữa đại ngàn Tây Nguyên. Nói như Bí thư Đảng ủy xã Ea Wy Võ Văn Sâm: “Chợ phiên Ea Wy không chỉ là không gian văn hóa đặc sắc, góp phần làm đa dạng các hoạt động thương mại, nâng cao thu nhập cho người dân mà đang dần trở thành một “sản phẩm” du lịch độc đáo có sức hút mạnh mẽ của địa phương”.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.