Multimedia Đọc Báo in

Nhiều tuyến đường giao thông ở Cư Prao xuống cấp nghiêm trọng

10:26, 23/02/2018
Xã Cư Prao (huyện M'Đrắk) có khoảng 45 km đường giao thông (gồm 9,5 km đường liên xã, 21,4 km đường liên thôn và trên 14 km đường nội thôn). Tuy nhiên, hiện nay các tuyến đường trên địa bàn xã Cư Prao đã xuống cấp nghiêm trọng; trên 90% là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”.
 
Tuyến Tỉnh lộ 13 qua địa bàn xã Cư Prao có chiều dài 38 km, mặt đường rộng 5 m. Đây là tuyến đường huyết mạch nối xã Cư Prao đến trung tâm huyện M'Đrắk và các xã Ea Lai, Krông Jing. Tuy nhiên, do nhiều năm không được nâng cấp, duy tu thường xuyên nên đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường rất nhiều ổ gà, ổ voi, nhiều ngầm đã bị sạt lở thành những “cái bẫy” nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là vào những ngày mưa. Trong đó, đoạn đường qua buôn Zô, buôn Năng bị hư hỏng nặng, trở thành “nỗi ám ảnh” của người dân khi lưu thông vào mùa mưa. Ông Y Sok Niê, Trưởng buôn Zô than thở: Mỗi lần đến vụ thu hoạch, người dân vận chuyển mía, sắn rất khó khăn. Cơn bão số 12 vào cuối năm 2017 đã gây sạt lở và cuốn trôi cầu tràn liên hợp ngầm Ea Mlay (nối buôn Zô với buôn Năng) làm chia cắt 4 thôn, buôn: buôn Năng, buôn Zô, buôn Pa và thôn Đắk Phú với trung tâm xã. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, sự xuống cấp của con đường cũng là rào cản lớn cho việc phát triển kinh tế của 4 thôn, buôn vốn còn nhiều khó khăn này. 
 
Cầu tràn liên hợp ngầm Ea Mlay (nối buôn Zô với buôn Năng) đã bị lũ cuốn trôi.
Cầu tràn liên hợp ngầm Ea Mlay (nối buôn Zô với buôn Năng) đã bị lũ cuốn trôi.
Cũng với tuyến Tỉnh lộ 13, hơn 35,7 km đường liên thôn và nội thôn trên địa bàn xã Cư Prao cũng bị hư hỏng nặng. Những tháng vừa qua, trời mưa liên tục khiến nhiều đoạn đường bị sình lầy, ngập hơn nửa bánh xe, gây khó khăn rất lớn cho người dân. Ông Nông Anh Hải, Trưởng thôn Đắk Phú cho biết: Địa bàn 5 thôn, buôn (buôn Zô, buôn Năng, buôn Pa, buôn Hoang và thôn Đắk Phú) có diện tích trên 4.000 ha đất tự nhiên, trong đó có 90% diện tích sản xuất nông nghiệp (chủ yếu trồng mía, sắn, ngô, đậu đỗ các loại). Hằng năm, ban tự quản các thôn, buôn thường xuyên vận động nhân dân đóng góp hàng chục triệu đồng để tu sửa, dặm vá những đoạn đường hư hỏng nặng. Tuy nhiên, vào mùa mưa và là thời điểm thu hoạch nông sản của nhân dân nên các loại xe thu mua nông sản lưu thông nhiều đã khiến mặt đường biến dạng nặng, việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân ra khu tập kết thu mua nông sản gặp nhiều khó khăn. Ông Hải kể: “Mỗi chuyến vận chuyển nông sản từ các cánh đồng hoặc từ nhà dân ở 5 thôn, buôn nói trên ra khu tập kết thu mua nông sản bình thường chỉ mất từ 400-500 nghìn đồng/chuyến, tuy nhiên vào những ngày mưa, người dân phải trả từ 1-1,2 triệu đồng/chuyến. Giá vận chuyển cao ngất ngưởng nhưng cũng đành phải chấp nhận”.
 
Qua tìm hiểu, nguyên nhân khiến cho đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Cư Prao xuống cấp khá nhanh là do các phương tiện quá tải hoạt động nhiều, nhất là mùa thu hoạch mía. Đơn cử như tuyến Tỉnh lộ 13 được thiết kế có trọng tải tối đa 15 tấn nhưng vào mùa thu mua nông sản, các loại xe có trọng tải gấp 2-3 lần thường xuyên lưu thông khiến mặt đường bị cày nát. Mặc dù hằng năm địa phương đều bố trí ngân sách và vận động các công ty mía đường có vùng nguyên liệu tại địa phương duy tu, sửa chữa một số tuyến đường dân sinh, tuy nhiên do nguồn vốn hạn hẹp nên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu... 
 
Theo ông Y Ji Niê Kđăm, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prao, xã có 15 thôn, buôn (4 buôn dân tộc thiểu số tại chỗ và 11 thôn), điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 46%. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi. Giao thông khó khăn nên việc phát triển kinh tế lại càng khó. 
 
Mỹ Sự

Ý kiến bạn đọc