Multimedia Đọc Báo in

Vượt qua bóng tối

08:31, 04/02/2018

Rời quê hương Quan Hóa (Thanh Hóa) vào vùng đất mới thôn Dhung Knung, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) lập nghiệp từ năm 2001, anh Đinh Công Thu (dân tộc Mường) không chỉ muốn thoát khỏi cuộc sống đói nghèo mà còn mong rời xa con đường nghiện ngập ma túy mà anh đã vướng phải.

Nhớ lại những năm tháng nghiện ngập, anh Thu vẫn còn thấy sợ. Sau khi lấy vợ, anh được bố mẹ làm nhà cho ra ở riêng và giao đất làm ruộng, trồng luồng. Cuộc sống tự lập, sớm ổn định của gia đình anh những tưởng sẽ hạnh phúc nhưng niềm vui ấy chưa lâu thì đến năm 1995, anh bị bạn bè lôi kéo vào con đường nghiện ngập ma túy. Thu nhập từ mấy sào ruộng với hơn 9.000 gốc luồng không đủ cho việc hút chích; đồ đạc trong nhà, đất đai sản xuất cũng dần “đi theo” khói thuốc. Ông Đinh Công Ỉnh (bố của anh Thu) nhớ lại: “Ở quê lúc đó rất nhiều người nghiện ma túy, nhất là lứa tuổi thanh niên, trung niên. Khi thấy con bị nghiện, gia đình tôi đã dùng nhiều cách từ khuyên bảo, động viên cai nghiện, trách mắng đến không cung cấp lương thực, tiền bạc nhưng Thu vẫn không từ bỏ được”. 

Ngôi nhà mới  của anh Thu  đang được hoàn thiện.
Ngôi nhà mới của anh Thu đang được hoàn thiện.

Kinh tế gia đình túng bấn nên năm 2001, anh Thu đã quyết định đưa gia đình cùng với bố mẹ và các em vào định cư tại thôn Dhung Knung, xã Cư Pui, mong muốn cai được ma túy và làm lại cuộc đời. Thời gian đầu, anh vẫn chưa thể bỏ được ma túy. Thu vẫn tìm mọi cách để có thuốc hút chích kể cả trốn vợ về quê mua thuốc vào để dùng. Sau 10 năm nghiện ngập, đến năm 2005, anh Thu quyết rời bỏ “cái chết trắng”. Anh cắn răng chịu đựng những cơn đau mỗi lần lên cơn nghiện: bụng chướng, buồn nôn, hoa mắt, đau nhức các khớp xương, người vật vã khó chịu… nhưng nghĩ về cảnh khổ cực của vợ con, gia đình, anh vẫn không bỏ cuộc. Anh Thu tâm sự: “Vì nghiện mà bố mẹ, vợ con, anh em đều xa lánh. Cuộc sống đã đói khổ lại càng thêm khó khăn. Khi lên cơn trong người tôi không còn biết đến gì nữa. Đau cả thể xác lẫn tinh thần. Nghĩ đến gia đình, bố mẹ và tương lai của các con, mình quyết tâm cai nghiện bằng được”.

Anh Thu đã chịu đựng sự “đói thuốc” bằng những cơn vật vã về thể xác, tinh thần để cùng với vợ con tập trung lao động, sản xuất. Khi công việc ở nhà tạm ổn, anh lại đi làm thuê. Anh làm việc chăm chỉ để không còn thời gian rảnh rỗi nghĩ về ma túy, không giao lưu với người nghiện. Bên cạnh đó, gia đình, người thân cũng rất quan tâm, động viên, hỗ trợ anh, đặc biệt là sự chăm sóc tận tình của người mẹ là bà Vi Thị Hát. Bà Hát có nghề bốc thuốc nam nên khi con cai nghiện, hằng ngày bà đều lên rừng hái lá, đào rễ cây về để xông và nấu nước thuốc cho anh uống.

Sau bao nỗ lực, cuối cùng anh Thu cũng dứt bỏ được ma túy. Cuộc sống sau khi anh cai nghiện thành công đã đổi thay rất nhiều. Gia đình anh đã thoát diện hộ nghèo từ mấy năm nay. Với 2 ha cà phê, 2 sào lúa, hơn 100 cây điều và gần 100 trụ tiêu, mỗi năm gia đình anh có thu nhập gần 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Vừa qua anh đã bán 5 con bò, mượn thêm ngân hàng 200 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố trị giá gần 700 triệu đồng.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.