Giải quyết căn bản hồ sơ người có công đang tồn đọng
Giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng đang tồn đọng là vấn đề khó khăn và phức tạp.
Song, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là Sở LĐ-TBXH đã căn bản giải quyết hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, ngày 20-3-2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH (sau đây gọi là Quyết định 408), góp phần thực hiện tốt chính sách quan tâm, ưu đãi người có công.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 23 hồ sơ tồn đọng theo tiêu chí tại Quyết định 408, trong đó có 6 hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh, 17 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ (đều thuộc diện dân chính đảng). Tất cả những hồ sơ này đã lập trước ngày 1-7-2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hiện nay đang lưu trữ tại cơ quan LĐ-TBXH, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, và Công an tỉnh.
Cán bộ Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) đang giải đáp về chế độ chính sách cho người có tham gia kháng chiến. |
Với phương châm việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng phải tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, Ban Chỉ đạo giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công của tỉnh do đồng chí H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban đã họp xem xét cẩn thận từng hồ sơ. Kết quả, có 5 hồ sơ đủ điều kiện xác nhận người có công, gồm 1 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ và 4 hồ sơ đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận liệt sỹ cho ông Y Grônh Niê (SN 1930), xã Cư Pơng (huyện Krông Búk); 4 hồ sơ đủ điều kiện đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh đã được Bộ LĐ-TBXH tiếp nhận hồ sơ.
Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) cho biết, Quyết định 408 ngày 20-3-2017 ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công gồm bảy bước, giải quyết theo từng tình huống cụ thể. Đây được coi là nỗ lực mới góp phần tháo gỡ khó khăn, đáp ứng mong mỏi của nhiều gia đình người có công và được dư luận nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định 408 tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Đó là số hồ sơ tồn đọng phần lớn là những hồ sơ lâu năm, khá phức tạp có nhiều vướng mắc đòi hỏi phải nghiên cứu thật kỹ, có cách vận dụng phù hợp với từng trường hợp. Trong 17 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ có đến 14 trường hợp không đủ điều kiện. Những trường hợp này là người dân tộc thiểu số tại chỗ được điều động đi khai hoang phục hóa cánh đồng tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) bị vướng mìn của Fulro chết (13 trường hợp) và 1 trường hợp được cử đi xóa mù chữ tại xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) bị Fulro bắt, giết chết cùng vào năm 1977. Do thời gian xảy ra khá lâu, nên các tài liệu chứng minh được cử đi khai hoang, xóa mù chữ của các đối tượng trên không tìm thấy. Tuy nhiên, các nhân chứng, cán bộ lãnh đạo thời kỳ năm 1977 đã xác nhận việc các đối tượng trên tham gia khai hoang phục hóa, xóa mù chữ là đúng. Chính vì đặc thù này, nên cho dù Cục Người có công (Bộ LĐ-TBXH) thẩm định, kết luận các hồ sơ trên không đủ điều kiện, nhưng Ban Chỉ đạo tỉnh vẫn đề nghị Bộ LĐ-TBXH xem xét, vận dụng để giải quyết cho họ. Bên cạnh đó, Quyết định 408 chỉ tập trung giải quyết 03 loại đối tượng: liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, còn các đối tượng khác chưa được giải quyết.
Qua tổng rà soát và thực tế, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 400 trường hợp có tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được giải quyết chế độ người có công. Khó khăn lớn nhất trong việc thiết lập hồ sơ cho các trường hợp này là không còn giấy tờ gốc chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến. Về vấn đề này, Sở LĐ-TBXH đã kiến nghị với Bộ LĐ-TBXH nên linh hoạt từng trường hợp cụ thể, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk. Thêm một khó khăn nữa trong công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng là do công tác tuyên truyền có lúc, có nơi còn hạn chế dẫn đến những người có tham gia kháng chiến chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ, rõ ràng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước dẫn đến có nhiều ý kiến phản ánh, thậm chí đơn thư khiếu nại. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác chính sách ở một số địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc hướng dẫn bổ sung hồ sơ không kịp thời dẫn đến hồ sơ bị tồn đọng.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc