Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Buôn Hồ: Giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng

09:55, 14/03/2018

Chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, họ gặp không ít khó khăn do không có nghề nghiệp, không nguồn vốn, bị kỳ thị... Thấu hiểu điều này, bằng tình thương và trách nhiệm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Buôn Hồ đã có những việc làm chân tình, thiết thực, trở thành “điểm tựa” cho những mảnh đời lầm lỗi.

Cùng với cán bộ Hội LHPN phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) chúng tôi đến thăm cơ sở mộc, gia công đồ mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Thanh Phương, 35 tuổi, ở tổ dân phố 10 là chồng của hội viên Trần Thị Bích Hạnh. Nhìn anh Phương say sưa với từng chi tiết nhỏ trên những sản phẩm mỹ nghệ ít ai biết được rằng, anh đã từng bị án phạt tù 3 năm về tội tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Năm 2016, do quá trình cải tạo tốt, anh Phương được giảm án trước thời hạn 7 tháng.

Anh  Nguyễn Thanh Phương,  tổ dân phố 10, phường  An Bình  (thị xã  Buôn Hồ)  đang gia công đồ mỹ nghệ.
Anh Nguyễn Thanh Phương, tổ dân phố 10, phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) đang gia công đồ mỹ nghệ.

Trở về cuộc sống, anh Phương mang theo những mặc cảm với người xung quanh và gia đình. Năm 2017, sau khi tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ quyết định trao cho gia đình anh Phương 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Vốn có kinh nghiệm về nghề mộc, anh Phương mở một cơ sở gia công đồ mỹ nghệ. Ban đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn vay ít ỏi, thiếu dụng cụ, phải tự tìm nguyên liệu, nhất là tâm lý e ngại của khách hàng khi biết anh từng phạm tội. Nhưng với bản tính siêng năng, chịu khó học hỏi để tạo ra những sản phẩm độc đáo, lạ mắt, nhờ đó các mặt hàng do anh Phương làm ra dần dần được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh Phương chia sẻ: “Vì ma túy tôi đã bán tất cả tài sản để thỏa mãn cơn nghiện. Lúc tôi đi tù, vợ đang mang thai 6 tháng đứa con thứ ba. Khi trở về nhìn vợ và ba con sống cực khổ tôi rất ân hận. Nhưng nhờ vợ luôn động viên và Hội LHPN thị xã giúp đỡ mà tôi có được một số vốn để làm ăn. Hiện tại, thu nhập của tôi hơn 10 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình ngày một ổn định”.

Hay như trường hợp chị Đinh Thị Sâm, ở buôn Chà Là (xã Bình Thuận) phạm tội giết người. Sau khi chấp hành xong án phạt tù tại trại giam Đắk Trung, chị trở về và sống khép mình trong mặc cảm tội lỗi. Nhờ cán bộ Hội LHPN xã Bình Thuận thường xuyên qua lại, động viên, chị Sâm bắt đầu tham gia các hoạt động của Hội và tự tin tiếp xúc với mọi người. Tháng 2-2017, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã trao bò giống và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho chồng chị Sâm bị bệnh ung thư. Nhờ được nuôi dưỡng tốt nên bò cái mà chương trình trao cho chị Sâm đã sinh được hai con bê và đang sắp đẻ con thứ ba.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thuận thăm hỏi, động viên gia đình chị Đinh Thị Sâm ở buôn Chà Là.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thuận thăm hỏi, động viên gia đình chị Đinh Thị Sâm ở buôn Chà Là.

Xác định rằng muốn các đối tượng hoàn lương thì phải an cư lạc nghiệp, Hội LHPN thị xã đã phối hợp với Đội Phòng chống ma túy và Đội Xây dựng phong trào (Công an thị xã Buôn Hồ) thường xuyên gặp gỡ các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, những khó khăn trong cuộc sống, qua đó kịp thời tuyên truyền, giáo dục, giúp họ xóa đi những mặc cảm bản thân. Đồng thời hỗ trợ vốn để họ có thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong 5 năm (2012-2017), đã có 3 hội viên, thanh niên chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội còn trích 10 triệu đồng giúp đỡ 6 phụ nữ nhiễm HIV/AIDS.

Nẻo về của những người một thời lầm lỡ còn lắm gập ghềnh, đòi hỏi cách tiếp cận của cán bộ cơ sở phải thật khéo léo, nhưng quan trọng hơn hết là nghị lực của bản thân họ. Quá trình này cần sự nỗ lực của bản thân, sự động viên, chia sẻ của những người xung quanh và hành động thiết thực của các cấp, các ngành.

Bà Nguyễn Phan Minh Tiết, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ cho biết, trước đây Hội huy động hội viên đóng góp 1.000 đồng/năm để xây dựng Quỹ Hỗ trợ người hoàn lương, khuyết tật, nhiễm HIV. Theo đó, hội viên phụ nữ bị HIV được Hội hỗ trợ không thu hồi vốn, còn trường hợp hoàn lương sẽ cho vay không lãi suất trong vòng 1 năm. Vì số tiền huy động được quá ít (50 triệu đồng) nên Hội đã sáp nhập chung thành Quỹ Chung tay vì phụ nữ nghèo. “Chúng tôi buộc phải xoay xở nhiều cách để đảm bảo cho các hoạt động, đồng thời tăng thời hạn hoàn vốn lên 2 năm để giảm áp lực cho những trường hợp hoàn lương. Chúng tôi rất mong muốn có một nguồn vốn riêng dành cho hoạt động này để nâng số tiền hỗ trợ vay vốn lên 20 triệu đồng/trường hợp”, bà Tiết  trăn trở.

Với những việc làm chân tình, thiết thực, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã giúp một số người từng có quá khứ lầm lỡ đang sinh sống trên địa bàn có những bước chuyển biến đáng mừng. Dù còn nhiều khó khăn về chế độ, chính sách, kinh phí hoạt động, nhân lực nhưng Hội LHPN thị xã Buôn Hồ sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng có cuộc sống ổn định, hạn chế đến mức tối đa tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.