Multimedia Đọc Báo in

Những khó khăn cần tháo gỡ của công tác thú y cấp xã trên địa bàn huyện M'Đrắk

08:43, 30/03/2018

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện M’Đrắk không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành thú y huyện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thú y tại các xã, thị trấn. Tuy nhiên, trên thực tế công tác thú y cơ sở ở huyện M’Đrắk vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của công tác này.

Toàn huyện M’Đrắk hiện có 16 cán bộ, cộng tác viên thú y hoạt động ở 12/13 xã, thị trấn (13 cán bộ thú y và 3 cộng tác viên thú y). Với trách nhiệm được giao, hầu hết các cán bộ thú y đều hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phụ trách; triển khai công tác tiêm phòng; hướng dẫn người dân cách chăm sóc và phòng chống dịch. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều trong khi chế độ phụ cấp thấp nên chưa thu hút cán bộ “mặn mà” với công tác thú y cơ sở. Dù thường xuyên phải tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm nhưng ngoài khoản phụ cấp, đội  ngũ cán bộ, cộng tác viên thú y không được cấp thêm kinh phí để mua sắm quần áo bảo hộ lao động, dụng cụ trang thiết bị phục vụ chuyên môn của ngành.

 Anh Phạm Xuân Dũng, cán bộ  thú y  xã Cư Króa tiêm vắc xin cho bò.
Anh Phạm Xuân Dũng, cán bộ thú y xã Cư Króa tiêm vắc xin cho bò.

Đến nay, ông Nguyễn Xuân Quảng đã có gần 5 năm làm cán bộ thú y tại xã Krông Jing. Địa bàn phụ trách rộng, dân cư sống không tập trung, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 75%, tập tục chăn nuôi, canh tác còn theo lối truyền thống, lạc hậu nên đòi hỏi người làm công tác thú y phải thường xuyên bám sát địa bàn để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức phòng bệnh. Ông Quảng cho biết, mỗi năm trên địa bàn xã phải triển khai ít nhất 2 đợt tiêm phòng (mỗi đợt tiêm khoảng trên 1.000 liều vắc xin) và 2 đợt tiêu độc, khử trùng chuồng trại… Mỗi lần có đợt tiêm như vậy, ông phải đến tận các thôn, buôn từ sáng sớm tiêm phòng bệnh để không làm ảnh hưởng đến thời gian đi nương rẫy của bà con. Công việc nhiều vất vả như vậy nhưng ông Quảng chỉ được hưởng khoản phụ cấp vỏn vẹn hơn 1,3 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có thêm khoản thu nhập nào khác và cũng không được đóng bảo hiểm xã hội. 

Anh Đoàn Thế Quyền, cán bộ thú y xã Ea Riêng cũng đã có thời gian 13 năm đảm nhận công việc cán bộ thú y của xã. Anh Quyền rất vất vả bởi xã Ea Riêng có tới 20 thôn, đường sá đi lại khó khăn, nhiều hộ sống xa khu dân cư, phải đi cả chục cây số mới đến nơi. Tuy nhiên, áp lực nhất vẫn là vào những đợt cao điểm triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vì cả địa bàn xã rộng như vậy chỉ có một cán bộ thú y cơ sở trong khi mỗi đợt tiêm phòng ít nhất 750 liều vắc xin. Dù chưa để xảy ra sai sót nhưng đôi khi do vắc xin lạnh dẫn đến kết tủa làm vết tiêm sưng tấy, nhiều gia đình chưa hiểu cũng vặn vẹo, làm khó dễ cán bộ thú y.

Gắn bó với công việc mới hơn 3 năm nhưng anh Phạm Xuân Dũng, cán bộ thú y xã Cư Króa đã thấm thía được nhiều nỗi khó khăn của nghề. Địa bàn xã Cư Króa rộng, nhiều thôn như thôn 7, thôn 9 cách trung tâm xã gần 30 km, đường sá rất khó khăn vào mùa mưa, bà con chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung nên anh Dũng thường phải đi lại nhiều lần mới hoàn thành được đợt tiêm chủng. Tuy mức phụ cấp đối với cán bộ thú y rất thấp nhưng vì lòng yêu nghề cùng với sự nhiệt tình, năng nổ của tuổi trẻ, anh Dũng đã cố gắng bám trụ với công việc. Nhờ vậy, đến nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã Cư Króa phát triển tương đối ổn định.

Thiết nghĩ, để tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động thú y cấp xã, cần có thêm chính sách đãi ngộ, bảo đảm quyền lợi, lợi ích và điều kiện vật chất để cán bộ thú y cấp xã hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể, từng bước rà soát, tháo gỡ những vướng mắc để bảo đảm cho đội ngũ thú y cấp xã yên tâm gắn bó lâu dài với công việc và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.