Những phụ nữ tiêu biểu làm theo gương Bác ở M'Đrắk
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện M’Đrắk đã xuất hiện những tấm gương phụ nữ tiêu biểu có những việc làm cụ thể mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng và xã hội.
Năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Khuyến, Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Cư Króa, huyện M'Đrắk) vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, hết lòng với công việc của thôn, của xã. Đối với bà Khuyến, noi theo gương Bác là phải làm sao để gia đình mình và bà con trong thôn xóa được đói, giảm được nghèo và xây dựng thôn văn hóa.
Năm 1987, gia đình bà Nguyễn Thị Khuyến từ quê Thanh Hà (Hải Dương) vào xây dựng kinh tế mới tại thôn 3, xã Cư Króa. Vượt lên vô vàn khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp, gia đình bà đã tích cực khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác, làm thuê làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Đến nay, gia đình bà Khuyến đã có một cơ ngơi khá khang trang với 7 ha đất trồng rừng nguyên liệu giấy, 2 ha đất trồng sắn, nuôi 8 con trâu, bò và hàng chục con heo, gà với ao thả cá rộng hơn 1.000 m2; bình quân mỗi năm cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Khuyến còn tích cực tham gia công tác xã hội. Từ năm 1997 đến nay, bà đã trải qua các chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã; trưởng thôn; Phó Bí thư và hiện giờ là Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Cư Króa. Ở cương vị nào, bà Khuyến cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, bà cùng Chi bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân trong thôn phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Bà Nguyễn Thị Khuyến (thứ hai từ phải sang) được Huyện ủy M’Đrắk khen thưởng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
Thôn 3, xã Cư Króa hiện có 60 hộ với 218 nhân khẩu, đa số là người dân từ tỉnh Hải Dương vào xây dựng kinh tế mới. Từ những năm 2005 trở về trước, cuộc sống của đa số người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt vài triệu đồng/hộ/năm, số hộ nghèo chiếm trên 70% số hộ trong thôn. Trước thực trạng đó, bà Khuyến và Chi bộ thôn đã chủ động xây dựng nghị quyết sát đúng với tình hình thực tế của thôn, lãnh đạo nhân dân trong thôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Nhờ vậy, đến nay, 100% số hộ trong thôn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thành công; 100% hộ dân trồng cây keo nguyên liệu giấy, trong đó 1/3 số hộ có từ 6-10 ha đất trồng keo; hơn 86% hộ có nhà xây kiên cố trị giá từ 150 triệu đồng trở lên; 40% số hộ có thu nhập mỗi năm từ 200 - 400 triệu đồng; 50% số hộ có thu nhập 120 triệu đồng. Người dân trong thôn còn tích cực góp công, góp của xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân thôn 3 đã tự nguyện đóng góp mỗi năm trên 30 triệu đồng và hàng trăm ngày công để làm đường giao thông trong thôn; đặc biệt, các hộ trong thôn sau khi khai thác rừng trồng đã tự nguyện đóng góp 10% tổng thu nhập vào quỹ phúc lợi của thôn. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, nhân dân trong thôn đã đóng góp trên 120 triệu đồng, tự nguyện hiến 1,8 ha đất, 2.600 cây keo từ 1-3 năm tuổi, đóng góp hàng chục ca máy và 250 ngày công làm đường liên thôn, liên xóm với tổng chiều dài 6,3 km.
Đến nay, đời sống của người dân ổn định, bộ mặt thôn 3 ngày càng khởi sắc, Chi bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh. Bản thân Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Khuyến đã được Huyện ủy M’Đrắk tuyên dương là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sau khi nghỉ hưu, bà Vũ Thị Tung, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện M’Đrắk vẫn tích cực tham gia công tác xã hội.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện M’Đrắk, bà Tung thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội từ huyện xuống cơ sở đến tận các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện để tìm hiểu và lên kế hoạch vận động giúp đỡ, hỗ trợ. Từ năm 2015 đến nay, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện M’Đrắk đã vận động quyên góp được hàng trăm triệu đồng hỗ trợ hàng chục lượt người khuyết tật và khó khăn trên địa bàn huyện. Chỉ tính riêng năm 2017, Hội đã vận động các tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện đóng góp trên 400 triệu đồng.
Sự chia sẻ, động viên và hỗ trợ kịp thời đã góp phần giúp nhiều hộ có hoàn cảnh bất hạnh giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Vương (70 tuổi, trú khối 10, thị trấn M’Đrắk). Không có nhà ở, dù tuổi già sức yếu nhưng bà Vương vẫn bươn chải bán vé số để nuôi hai người con mắc bệnh hiểm nghèo: người con trai (40 tuổi) mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối và cô con gái 36 tuổi mắc bệnh tâm thần, bị câm điếc bẩm sinh. Trước hoàn cảnh đó, bà Tung đã vận động Hội thiện nguyện Bồ đề Tâm, CLB Hội lan M’Đrắk và các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hỗ trợ gia đình bà Vương 54,8 triệu đồng...
Những việc làm tận tụy, vì cộng đồng của bà Nguyễn Thị Khuyến và bà Vũ Thị Tung vô cùng đáng quý. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu để mọi người học tập và noi theo.
Tiến Ninh
Ý kiến bạn đọc