Multimedia Đọc Báo in

Giúp người khuyết tật thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng

09:25, 18/04/2018

Việc mở rộng quy mô của Đề án hỗ trợ sinh kế tại các xã xây dựng nông thôn mới do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT-TMC) tỉnh triển khai đã giúp nhiều gia đình người khuyết tật có cơ hội cải thiện cuộc sống, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có gần 100.000 người khuyết tật, trong đó có trên 25.000 người khuyết tật nặng, phần lớn sinh sống tại các gia đình thuộc hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa; nhiều người còn mặc cảm, tự ti, không biết chữ và chưa có việc làm. Để sẻ chia, trợ giúp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống, từ khi chính thức đi vào hoạt động (năm 2010) đến nay, Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh và các cơ sở Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân trong, ngoài tỉnh ủng hộ tiền và hiện vật trị giá trên 25 tỷ đồng. Nhờ vậy, Hội đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người khuyết tật như: hỗ trợ phẫu thuật tim, thay thủy tinh thể, phục hồi chức năng, lắp tay, chân giả miễn phí; tặng xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp, xe đạp, học bổng, xây dựng nhà Tình thương, giếng nước; tổ chức thăm, trao tặng hàng nghìn suất quà, suất ăn miễn phí cho các đối tượng.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 của Chính phủ, Tỉnh hội đã triển khai thực hiện 24 đề án tại 27 xã trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Người khuyết tật và trẻ mồ côi tại các xã này được hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình cấp nước, vệ sinh, tặng học bổng, xe đạp, vốn trồng trọt, giống vật nuôi… Qua đó đã tạo sinh kế, cơ hội “an cư”, học hành, phát triển sản xuất cho người khuyết tật; đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật, góp phần thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Chị H'Nin Êban và các hộ  ký cam kết  chăm sóc  bò sinh sản  với Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh.
Chị H'Nin Êban và các hộ ký cam kết chăm sóc bò sinh sản với Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh.

Gia đình chị H’Nin Êban ở buôn Kna B, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) là một trong những hộ được hưởng lợi từ đề án trợ giúp người khuyết tật của Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh. Năm 2017 gia đình chị được Tỉnh hội và mạnh thường quân trao tặng một con bò giống trị giá 12 triệu đồng, đồng thời còn được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chế biến thức ăn, chăm sóc bò sinh sản, biện pháp vệ sinh phòng bệnh… Đối với chị đây là tài sản lớn giúp gia đình có thêm điều kiện chăm lo cho con cái sau này. Bởi theo chia sẻ của chị, cuộc sống gia đình ngày càng thiếu trước hụt sau khi hai trong số ba đứa con bị khoèo tay, chân, tâm thần, câm điếc bẩm sinh. Trong khi đó chồng bỏ đi, để lại ba con thơ dại, bệnh tật cho chị chăm sóc, nuôi nấng.

Gia đình chị H’Binh Đắk Cắk ở buôn Dumăh, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) là một trong số 14 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh hỗ trợ 45 triệu đồng xây dựng nhà Tình thương. Sau khi chồng bỏ đi lấy vợ khác, mọi lo toan, gánh nặng mưu sinh và chăm lo cho hai con nhỏ, trong đó có một cháu bị bại liệt bẩm sinh dồn cả lên vai chị. Căn nhà cũ rộng chừng 20 m2 bằng phên nứa sau bao năm đã xiêu vẹo, mục nát chị cũng đành che chắn ở tạm. Căn nhà tình thương được hỗ trợ xây dựng đã giúp mẹ con chị H’Binh Đắk Cắk được an cư, có thêm điều kiện để chăm lo cho con nhỏ. 

Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh cùng chính quyền địa phương trao bò cho các hộ nghèo, có người khuyết tật tại xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar.
Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh cùng chính quyền địa phương trao bò cho các hộ nghèo, có người khuyết tật tại xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar.

Tuy đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật nhưng Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh Nguyễn Thị Vân thẳng thắn thừa nhận, việc tạo sinh kế, trao cho gia đình và bản thân người khuyết tật “chiếc cần câu” để có thể vươn lên trong cuộc sống thực sự là một vấn đề nan giải. Sự hỗ trợ của Hội mới chỉ giúp gia đình người khuyết tật giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài, người khuyết tật cần được tạo điều kiện học nghề, giải quyết việc làm mới có thể cải thiện cuộc sống bền vững.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.