Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả chuyển đổi mô hình quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung

09:24, 18/04/2018

Việc chuyển đổi mô hình quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung đã giúp nhiều công trình phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tránh gây lãng phí vốn đầu tư.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 152 công trình cấp nước, thì có 22 công trình hoạt động kém hiệu quả, 45 công trình ngừng hoạt động (trong đó có 20 công trình hư hỏng nặng không thể khắc phục). Nguyên nhân của tình trạng trên là do đa số các công trình đều sử dụng nguồn nước ngầm nên bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước ngầm ngày càng hạ thấp dẫn đến cạn kiệt nguồn nước; công tác thiết kế thi công còn nhiều bất cập, công nghệ xử lý nước đơn giản, chất lượng nước không đảm bảo theo quy định; năng lực chuyên môn của đội ngũ quản lý, vận hành tại các địa phương còn hạn chế…

Trước tình trạng xuống cấp của nhiều công trình cấp nước tập trung cũng như những bất cập trong mô hình quản lý, từ năm 2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 30-10-2015 về phân cấp trong quản lý vận hành các công trình cấp nước nông thôn; đồng thời chuyển một số công trình cấp nước tập trung kém hiệu quả từ địa phương sang cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (NS&VSMTNT) quản lý, khai thác và vận hành.

       Nhân viên quản lý công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul kiểm tra hệ thống bơm nước.
Nhân viên quản lý công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul kiểm tra hệ thống bơm nước.

Để các công trình tiếp tục hoạt động có hiệu quả, tránh gây lãng phí vốn đầu tư, sau khi tiếp nhận, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã tự sửa chữa các hư hỏng nhỏ bằng nguồn vốn hoạt động sự nghiệp, chủ động đề xuất kinh phí sửa chữa, nâng cấp các hạng mục bị hư hỏng nặng. Công tác quản lý, vận hành bảo đảm chất lượng dịch vụ luôn được Trung tâm coi trọng, trong đó tập trung vào việc bố trí cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp để vận hành công trình, cải tiến phương thức vận hành để giảm chi phí, cải tạo lại nguồn nước đầu vào, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước đầu ra, phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong quá trình vận hành, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề sử dụng nước sạch… Nhờ đó, các công trình cấp nước tập trung sau khi được Trung tâm tiếp nhận sửa chữa đều đi vào vận hành tốt, cung cấp nguồn nước bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn cho người dân.

Từ năm 2015 – 2017, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã tiếp nhận, sửa chữa và tái vận hành 8 công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả. Chỉ riêng trong năm 2017 đã tiếp nhận quản lý 5 công trình cấp nước tập trung gồm: Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), 4 buôn Knia (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), Cư Bông, Cư E Lang, Ea Ô (huyện Ea Kar). Hiện các công trình này đều phát huy được công năng sử dụng, cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân.

Người dân hưởng lợi từ công trình cấp nước tập trung 4 buôn Knia (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn).
Người dân hưởng lợi từ công trình cấp nước tập trung 4 buôn Knia (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn).

 Đơn cử như công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) được đầu tư xây dựng từ năm 2008, với tổng kính phí trên 8 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010, do  UBND xã quản lý và vận hành. Với công suất thiết kế là 420 m3/ngày đêm, công trình có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.000 hộ dân, nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 200 hộ dân trên địa bàn đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng công trình đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập như đường ống xuống cấp, máy móc hay hư hỏng, thu không đủ chi… nên chỉ 2 năm sau đã phải tạm ngừng hoạt động. Từ tháng 9-2014, công trình này được UBND huyện Cư M’gar bàn giao lại cho Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh quản lý, khai thác và vận hành. Đến nay công trình đã hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân, mỗi ngày cung cấp khoảng 100 m3 nước sinh hoạt cho 480 hộ dân trên địa bàn xã. Hiện công trình đã được bố trí nguồn kinh phí hơn 4 tỷ đồng từ chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn của Ngân hàng Thế giới để nâng cấp, mở rộng quy mô cấp nước. Theo anh Y Yuin Niê, quản lý công trình, với nguồn vốn này Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh sẽ bổ sung, lắp đặt thêm một số tuyến đường ống mới, xây dựng bể chứa nước, trạm bơm nước từ bến nước buôn Sah A. Dự kiến khoảng 4 tháng nữa công tác nâng cấp, mở rộng sẽ hoàn thành, cung cấp nước sinh hoạt cho thêm khoảng 500 hộ dân

Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm VS&NSMTNT tỉnh cho biết: “Dự kiến trong năm 2018, Trung tâm tiếp tục tiếp nhận thêm 7 công trình cấp nước tập trung hoạt động không hiệu quả tại huyện Krông Năng và Krông Ana để sửa chữa, trực tiếp quản lý và vận hành. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình để có biện pháp khắc phục những hạn chế và phát huy hiệu quả,  đảm bảo cung cấp nước sạch thường xuyên, ổn định cho người dân”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.