Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh nơi hàng quán

07:15, 14/04/2018

Đêm đến, khi thành phố lên đèn cũng là lúc có những phận người đang cố gắng len lỏi giữa những quán nhậu để mưu sinh.

Từ những người “bán hàng dạo”

8 giờ tối, giữa tiếng “dô, dô…” rộn rã của những thực khách ở một quán nhậu trên đường Y  Wang (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), cô Nguyễn Thị Hiền (59 tuổi) khệ nệ bưng một rổ hàng trong đó có ổi, xoài, cóc, đậu phộng, trứng cút… len lỏi đến từng bàn để mời các “thượng đế” mua hàng. Người này lắc đầu, người kia tỏ vẻ không quan tâm, người nọ kì kèo giá… đi hết các bàn trong quán cô lại đi ra, chất rổ hàng lên chiếc xe đạp cũ kỹ để tiếp tục hành trình mưu sinh của mình. Cô Hiền tâm sự, ban ngày cô đi bán vé số, tối đến tranh thủ mua ít trái cây, trứng cút… đi bán kiếm thêm chút  tiền nuôi hai đứa con đang đi học. Mỗi ngày cô bán từ 5 giờ chiều đến tận 11, 12 giờ đêm mới về nghỉ. Hôm nào nhiều thì cũng được hơn 100 nghìn đồng, ít thì vài chục nghìn đồng. Dọc các quán nhậu ở khu vực phường Ea Tam hiện  có khoảng 20 “đồng nghiệp” của cô Hiền đang mưu sinh. Họ bán đủ thứ, từ vé số đến những đồ ăn vặt cho dân nhậu. Những món hàng này tuy chẳng đáng là bao nhưng đã giúp không ít người kiếm được tiền chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày.

Một người  bán hàng dạo tại một quán nhậu đêm.
Một người bán hàng dạo tại một quán nhậu đêm.

Không chỉ những phụ nữ lớn tuổi như cô Hiền mà cả đàn ông, thậm chí trẻ nhỏ cũng tham gia vào “đội quân” bán hàng dạo này. Nhiều em nhỏ chỉ mới 5, 6 tuổi hằng ngày đã phải xách theo những bịch xoài, trứng cút… rong ruổi hết các quán nhậu trong thành phố để bán hàng. Đa phần, khi gặp những đứa trẻ đi bán hàng khách đều bỏ tiền ra mua, có lẽ vì thương các em mới nhỏ đã phải bươn chải mưu sinh. Chú Bùi Văn Khanh (47 tuổi), một người có thâm niên hơn 10 năm bán hàng dạo ở các quán nhậu tâm sự, nhìn có vẻ đơn giản, nhưng cái nghề này không phải ai cũng làm được, có nhiều người làm được vài hôm ngại quá nên thôi. Bởi khi chấp nhận vào bán hàng ở các quán nhậu cũng đồng nghĩa với việc phải tiếp xúc với rất nhiều người, tốt có, xấu có. Có khi muốn bán được hàng phải uống vài ly bia rượu, có nhiều trường hợp bị quỵt tiền hay bị trêu ghẹo, rồi phải chịu những lời lẽ khó nghe … Tuy vậy, cũng có nhiều người tốt họ mua hàng rồi có khi còn cho thêm tiền nữa.

Đến những “nghệ sĩ đường phố”

Khác với những bước chân tất tả của người bán hàng dạo, những “nghệ sĩ đường phố” lại mang tài năng của mình ra để làm công cụ kiếm cơm. Trong đó, hát rong bán hàng dọc các quán nhậu ở TP. Buôn Ma Thuột được khá nhiều người lựa chọn, bởi đây là một nghề “hái” ra tiền, nhưng không phải ai cũng có thể “hành nghề” nếu không có một giọng ca “tạm ổn”. Tuy vậy, đằng sau những tiếng ca bay bổng phiêu du là những câu chuyện cuộc đời, là gánh nặng mưu sinh của biết bao con người. Chúng tôi gặp anh Đinh Văn Dũng (33 tuổi) đang hì hụi dừng xe trước quán nhậu bên lề đường, mở loa lên để bắt đầu phần biểu diễn của mình. Giữa đám đông đang nâng ly hô vang rộn rã, anh bật nhạc, cất lên lời hát, phiêu theo giai điệu của bài hát. Hát xong, anh mang những gói đậu phộng, kẹo đi đến từng bàn để mời khách mua. Anh Dũng tâm sự, năm 2015 anh có theo học ở một trường văn hóa nghệ thuật, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải nghỉ giữa chừng. Tuy vậy, niềm đam mê ca hát trong anh vẫn cháy bỏng, cộng với gánh nặng cơm áo gạo tiền, anh đành mang chút khả năng và vốn  kiến thức đã được học ra để mưu sinh. Anh đã phải vay mượn, đầu tư hơn 20 triệu đồng để có thể sắm được bộ đồ nghề (micro, loa…) để đi hát kiếm cơm. Công việc của anh bắt đầu từ 6 giờ tối đến khoảng 11 giờ đêm, mỗi ngày nếu chăm chỉ anh có thể kiếm được khoảng 100.000 – 200.000 đồng từ việc hát rong bán hàng, hôm nào may mắn có thể kiếm được cả 300.000 - 400.000 đồng. Theo anh, công việc này cũng gặp khá nhiều rủi ro, nếu gặp phải khách khó tính, say xỉn, mượn micro hát không cẩn thận làm rơi vỡ, hay bực dọc vì âm thanh ồn ào mà đến đập phá, đổ bia vào loa phải đi sửa hoặc sắm lại rất tốn kém.

Trước đây, nghề hát rong bán hàng chỉ dành cho cánh mày râu, nhưng bây giờ nhiều cô gái cũng xuống đường dùng lời ca, tiếng hát của mình để kiếm sống. Đối với nghề này, những người có giọng hát thường thường bậc trung thì đôi khi đi hát bán hàng chỉ là cái cớ, điều mà họ luôn chờ đợi là khách nhậu thuê loa hát. Gặp những đoàn khách “xịn”, tiền thuê loa có khi bằng tiền làm cả ngày hôm đó... Bên cạnh ca hát, nhiều người còn mang khả năng ảo thuật của mình ra biểu diễn để bán hàng. Nghề này đòi hỏi người biểu diễn phải có một kỹ năng điêu luyện, biết nhiều trò ảo thuật, nếu không sẽ khó gắn bó lâu dài.

Những mảnh đời mưu sinh về đêm dường như đã trở thành một phần không thể thiếu ở các quán nhậu. Họ len lỏi khắp mọi nẻo đường của thành phố, bám vào những thức quà vặt, hy vọng kiếm được chút tiền trang trải cuộc sống. Khi mọi nhà đã chìm sâu vào giấc ngủ, họ mới tất tả trở về tổ ấm của mình nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một ngày mưu sinh mới.

Diệu Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.