Multimedia Đọc Báo in

Công chức, viên chức bán hàng online - không buông lỏng, cũng đừng quá khắt khe!

08:53, 13/05/2018

Trong thời gian gần đây, việc bán hàng online đang trở nên phổ biến và ngày một nở rộ hơn. Đáng chú ý, đối tượng tham gia bán hàng online không chỉ là các bà, các chị nội trợ, những người kinh doanh tự do... mà còn thu hút sự tham gia của một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức nhà nước.

Các mặt hàng được bày bán qua mạng cũng rất đa dạng, từ quần áo, mỹ phẩm, hàng gia dụng, đến các loại thực phẩm, đồ ăn tươi sống... Việc công chức, viên chức bán hàng online đang gây nhiều tranh cãi, một bộ phận đồng tình, ủng hộ với việc làm thêm của công chức, viên chức, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ phản đối việc làm thêm này.

Bán hàng online thu hút sự tham gia của
Bán hàng online ngày càng trở nên phổ biến và nở rộ. Ảnh: Internet

Trong hệ thống pháp luật nước ta chưa có quy định nào cấm công chức, viên chức bán hàng online, hay tham gia các hoạt động kinh doanh, buôn bán hợp pháp khác. Tuy nhiên, thông qua những quy định pháp luật chuyên ngành về công chức, viên chức; quy định về sử dụng thời gian làm việc của công chức, viên chức cho thấy việc bán hàng online của công chức, viên chức có những giới hạn, ràng buộc nhất định và đặc biệt không được thực hiện trong thời gian làm việc. Chẳng hạn, Điều 20 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định những việc công chức không được làm “không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền”.  Điều 19 Luật Viên chức năm 2010 quy định những việc viên chức không được làm như: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công; sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật...

Nghĩa vụ của công chức, viên chức được quy định cụ thể gồm: Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị... (Điều 9 Luật Cán bộ, công chức); có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập ... (Điều 16 Luật Viên chức). Ngoài ra, tại Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg, ngày 31-1-2008 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, yêu cầu công chức, viên chức “phải chấp hành và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn, về sớm, không chơi games trong giờ làm việc...”. Như vậy, có thể hiểu, pháp luật không cấm công chức, viên chức kinh doanh, buôn bán, hay làm bất cứ việc gì để có thêm thu nhập, nhưng những việc làm thêm phải thực hiện ngoài giờ làm việc, còn trong thời gian làm việc phải tuân thủ tuyệt đối kỷ luật cơ quan, đơn vị, tập trung vào công việc chuyên môn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Thực tế cho thấy, rất khó để làm tốt hai việc cùng lúc. Vì vậy, một công chức, viên chức vừa giải quyết việc công, vừa tranh thủ kiểm tra tin nhắn, tư vấn khách hàng, chốt đơn, đăng bài... thì chắc chắn sai sót, nhầm lẫn là điều không tránh khỏi; đồng thời đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật về trách nhiệm của công chức, viên chức trong khi thi thực hiện nhiệm vụ. Do đó, tăng cường quản lý, kiểm soát tình trạng bán hàng online đối với công chức, viên chức trong giờ làm việc là rất cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng công chức, viên chức bán hàng tràn lan, biến công sở thành cái chợ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, cũng không nên quá khắt khe, cấm hẳn việc công chức, viên chức bán hàng online, vì những người thực sự chuyên tâm với công việc sẽ biết cân đối thời gian để hoàn thành tốt công việc chuyên môn và có thể làm thêm. Hơn nữa, mức lương công chức, viên chức khá hạn hẹp, không đủ để trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì bán hàng online cũng là cách để công chức, viên chức có thêm thu nhập bằng việc làm thêm chân chính.

Bán hàng online đang trở thành một xu hướng giúp công chức, viên chức tăng thu nhập. Việc làm này thật sự đáng khuyến khích nếu công chức, viên chức biết cân đối thời gian để việc làm thêm không ảnh hưởng đến công việc chính và cuộc sống gia đình, nhưng sẽ rất đáng lên án nếu họ dùng thời gian làm việc nhà nước để bán hàng. Do đó, để ngăn chặn tình trạng bán hàng online tràn lan trong công sở, làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, ngoài việc các cơ quan, đơn vị phải có những nội quy, quy chế rõ ràng, cụ thể, đồng thời giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành của công chức, viên chức trong đơn vị mình. 

  Phan Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.