Doanh nghiệp chú trọng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động
Cùng với việc đầu tư mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng, quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Những năm qua, Công ty Điện lực Đắk Lắk luôn quan tâm thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Ngoài các hoạt động được tổ chức thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch như: huấn luyện về thao tác trên lưới điện, an toàn chế độ phiếu; tuyên truyền hành lang an toàn lưới điện; đối thoại tại nơi làm việc với người lao động…, Công ty đã tập trung chuyên sâu vào huấn luyện kỹ năng thực hành. Cụ thể, các giảng viên sẽ vừa làm vừa phân tích tại hiện trường, các thao tác chưa đúng được làm đi làm lại nhiều lần để công nhân thực hiện thuần thục và hiểu được cặn kẽ mục đích của từng động tác; đồng thời đặt ra nhiều tình huống thực tế để phân tích và tìm ra các phương án đảm bảo an toàn nhất khi thực hiện công việc.
Bên cạnh đó, Công ty cũng chú trọng đầu tư nhiều trang thiết bị đảm bảo môi trường làm việc an toàn. “Trung bình mỗi năm, đơn vị đầu tư cho công tác ATVSLĐ hàng tỷ đồng; riêng trong năm 2017 là hơn 6 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào thiết bị ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chăm lo sức khỏe người lao động, tuyên truyền, huấn luyện phòng cháy và chữa cháy…”, ông Huỳnh Văn Tường, Phó Trưởng Phòng An toàn, Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết. Đặc biệt, Công ty còn tuyên truyền về hành lang an toàn lưới điện cho người dân và các chủ phương tiện cơ giới trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra hiện trường sản xuất cũng được duy trì thường xuyên nhằm hạn chế các vụ việc làm sai quy trình. Khi phát hiện sai phạm, Công ty sẽ yêu cầu ngừng công việc hoặc khắc phục các sai phạm tại hiện trường rồi mới cho làm tiếp. Sau đó, các sai phạm được tổng hợp, phổ biến đến các đơn vị rút kinh nghiệm. Các trường hợp vi phạm quy trình nghiêm trọng, đơn vị sẽ không bố trí công việc, buộc phải học và sát hạch lại quy trình an toàn điện.
Công nhân Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột (Công ty Điện lực Đắk Lắk) sửa chữa hệ thống điện trên tuyến đường Phan Chu Trinh. |
Công ty Điện lực Đắk Lắk hiện có 910 lao động đang làm việc tại 14 đơn vị điện lực và 1 xí nghiệp; trong đó có trên 800 lao động trực tiếp trên hệ thống lưới điện. Dù luôn làm việc ở môi trường nguy hiểm, thế nhưng từ nhiều năm trở lại đây, đơn vị không để xảy ra tai nạn lao động.
Cũng như Công ty Điện lực Đắk Lắk, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, Viễn thông Đắk Lắk, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk… định kỳ hằng năm đều tổ chức đào tạo cho cán bộ, công nhân viên và người lao động đầy đủ kiến thức pháp luật về ATVSLĐ, về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường… Đồng thời, luôn trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo đúng quy định; hằng tháng người lao động được cấp phát chế độ bồi dưỡng độc hại. Song song đó, các đơn vị đều thực hiện các chế độ bảo hiểm cho 100% cán bộ, công nhân viên; hằng năm đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… Với sự quan tâm giải quyết tốt các điều kiện về vật chất và tinh thần, người lao động yên tâm làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Cán bộ Công ty Điện lực Đắk Lắk trao đổi hoạt động chuyên môn với công nhân lao động trực tiếp. |
Có thể nói, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ngày càng chú trọng hơn về công tác đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất kinh doanh. Bà Vũ Thị Mỹ Phượng, Phó Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: “Trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH tỉnh luôn xác định việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về bảo đảm ATVSLĐ gắn với sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, ngoài công tác kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền một cách sâu rộng về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. Kết quả những năm gần đây cho thấy, công tác đảm bảo ATVSLĐ được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật như cải thiện, đảm bảo an toàn môi trường làm việc, huấn luyện an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe công nhân…”
Được biết, trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn lao động, trong đó có 7 người chết (chủ yếu do tai nạn giao thông). Việc xây dựng một môi trường làm việc an toàn là điều kiện quan trọng góp phần bảo vệ người lao động; đồng thời, thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc