Kết nối cung - cầu công nghệ
Những năm qua, việc triển khai các nhiệm vụ khoa học – công nghệ (KH-CN), ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng, hiệu quả… của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Với hoạt động chủ yếu là nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN trong sản xuất, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã trở thành địa chỉ quen thuộc được nhiều người dân, doanh nghiệp, tổ chức tìm đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi. Theo đó, nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đơn cử như việc ứng dụng men ủ vi sinh để xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ đã được nhiều hộ dân thực hiện hiệu quả. Cụ thể, chỉ cần một gói nhỏ men ủ vi sinh cộng với các phụ liệu, các hộ dân có thể biến lượng phế phụ phẩm nông nghiệp trước kia thường bị vứt bỏ sau mỗi vụ thu hoạch như: rơm, vỏ ngô, vỏ cà phê… trở thành nguồn phân bón vi sinh hữu ích cho cây trồng và môi trường sinh thái. Theo anh Y Lem Niê, Trưởng Phòng ứng dụng – chuyển giao (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN), khi thí điểm ứng dụng chế phẩm men ủ vi sinh để xử lý phế phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu, phân bón hữu cơ cũng như việc sử dụng loại phân bón này cho cây trồng, nhiều nông dân vẫn còn nghi ngại, chưa mạnh dạn thực nghiệm. Đến khi được tận mắt chứng kiến cách làm và hiệu quả của các mô hình ứng dụng thì họ mới tin và tìm đến học hỏi quy trình để thực hiện tại nhà.
Điểm kết nối cung – cầu công nghệ tỉnh Đắk Lắk. |
Nếu như những năm trước đây, việc chuyển giao tiến bộ KH-CN trong việc sản xuất phân bón hữu cơ được người dân ứng dụng rộng rãi thì hiện nay, nhiều đơn vị, hộ dân tìm đến học hỏi và làm theo mô hình trồng rau trong nhà màng. Từ kết quả nghiên cứu đề tài xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống rau trên vỉ xốp trong nhà màng tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm đã chuyển giao lại cho nhiều đơn vị như Công ty TNHH Một thành viên Chiến lược xanh thực hiện tại thị xã Buôn Hồ, Phòng Kinh tế huyện Buôn Đôn. Hay việc chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho Phòng Kinh tế huyện Ea H’leo…
Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã triển khai thực hiện 45 đề tài, dự án KH-CN chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Trong đó, có 41 đề tài đã nghiệm thu và được ứng dụng rộng rãi. |
Cũng từ những nghiên cứu, chuyển giao thành công, nhiều sản phẩm KH-CN đã ra đời, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: men vi sinh, nước uống đóng chai, tinh chất nghệ, rượu Hibiscus; trà đài Hibiscus; nước hoa quả Hibiscus…
Bên cạnh việc chuyển giao các tiến bộ KH-CN, việc kết nối thương mại qua Điểm kết nối cung – cầu công nghệ cũng đã được triển khai nhằm giúp các doanh nghiệp, cá nhân chia sẻ, chuyển giao sản phẩm công nghệ. Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành đặt hàng máy tách màu gạo, máy chế biến tinh bột chuối, việc truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm, công nghệ trồng rau thủy canh… cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Bình Doãn, cán bộ phụ trách Điểm kết nối cung – cầu công nghệ (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN) cho biết: “Cùng với các điểm kết nối cung – cầu công nghệ trên cả nước, điểm kết nối cung – cầu công nghệ tỉnh nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN). Qua đó, nhằm tư vấn công nghệ, kết nối đầu tư tài chính – công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật cũng như cung cấp thông tin về nguồn cung hay nhu cầu về công nghệ, tư vấn các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp”.
Nông dân xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar ứng dụng men ủ vi sinh để xử lý phế phẩm trong nông nghiệp. |
Có thể nói, với những thành tựu trong nghiên cứu KH-CN không chỉ ứng dụng, chuyển giao công nghệ phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến sản phẩm tại địa phương mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn, tận dụng phế phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản. Đặc biệt, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, từng bước khẳng định vai trò của KH-CN trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc