Nan giải tình trạng sinh con thứ 3 ở xã Ea Đăh
Do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã Ea Đăh (huyện Krông Năng) đang được xem là “bài toán” vô cùng nan giải.
Theo thống kê của Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Ea Đăh, năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã chiếm 15%. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2018 đã có 4 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Theo dự báo, con số này vẫn có nguy cơ gia tăng vì hiện tại vẫn còn khoảng 640 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 49 tuổi) chưa sử dụng các biện pháp tránh thai. Bên cạnh đó, điều khiến cơ quan chức năng lo ngại không kém là tình trạng mất cân bằng giới khi sinh hiện đang ở mức cao với 100 bé gái/160 bé trai.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, trong đó phần lớn vẫn là do quan niệm phải có con trai để “nối dõi tông đường” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều gia đình, nhất là đồng bào dân tộc Mông. Mặt khác do trình độ dân trí thấp, không biết tiếng phổ thông nên dù được cán bộ dân số hướng dẫn cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhưng việc có thai ngoài ý muốn là chuyện xảy ra thường xuyên.
Đời sống nhiều gia đình ở xã Ea Đăh khó khăn vì sinh đông con. |
Vợ chồng chị Sùng Thị Mao và anh Vừa Dù Dinh ở thôn Giang Đông, xã Ea Đăh dù chỉ mới gần 40 tuổi nhưng đã có đến 9 người con. Trong căn nhà tuềnh toàng, rách nát, chị Mao cho biết, trước đây chị có uống thuốc tránh thai nhưng người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt nên chị không dùng nữa. Mặc dù nhiều lần được cán bộ dân số đến tuyên truyền, vận động đặt vòng nhưng do xấu hổ nên chị không dám đi. Còn anh Dinh thì cho rằng: “Trời sinh voi ắt sinh cỏ” nên anh muốn sinh đông con để có người lao động, đỡ đần công việc gia đình.
Một gia đình trẻ ở xã Ea Đăh khó khăn vì sinh đông con. |
Hay như gia đình chị Đỗ Thị Hương ở thôn Giang Xuân, sau khi sinh đứa con thứ 3, dù được cán bộ dân số nhiều lần vận động dừng việc sinh đẻ để nuôi con cho tốt nhưng vẫn không lay chuyển được quyết tâm… “kiếm thằng cu để chống gậy” của gia đình chị. Đến nay, tâm nguyện của anh chị đã thành hiện thực, nhưng ngược lại là cuộc sống gia đình lúc nào cũng lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, các con của chị lần lượt phải nghỉ học, đứa thì phụ giúp ba mẹ làm nương rẫy, đứa thì ở nhà trông em.
“Có thể do chế tài xử lý vi phạm chính sách dân số hiện nay chưa đủ mạnh, chỉ mang tính chất nhắc nhở, vận động nên nhiều cán bộ, đảng viên cố tình “lách luật”, sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh thêm con”.
Bà Ma Thị Thương, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Đăh
|
Không riêng gì người dân thường mà một số cán bộ, đảng viên ở địa phương cũng không gương mẫu trong thực hiện chính sách dân số. Đơn cử như trường hợp một cán bộ Mặt trận xã, tuy đã có 2 người con gái chăm ngoan, học giỏi nhưng vì muốn có “nếp” có “tẻ” nên chấp nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo để sinh thêm con thứ 3. Việc này không chỉ gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số.
Bà Ma Thị Thương, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Đăh tâm sự: “Trong khi tôi và các cộng tác viên dân số luôn chủ động bám sát địa bàn, không ngại khó, ngại khổ đến từng nhà người dân để tuyên truyền về hệ lụy của việc sinh đông con, tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại… nhằm mục đích hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Trong khi đó, một số cán bộ, đảng viên vẫn cố tình vi phạm chính sách dân số khiến không ít bà con viện cớ cho rằng: “Cán bộ còn đẻ được thì nói gì đến người dân!”.
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Ea Đăh, ngoài nỗ lực của cán bộ dân số rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể để người dân nhận thức được việc sinh nhiều con không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế gia đình mà còn tác động xấu đến đời sống xã hội. Bên cạnh đó cũng cần có những chế tài xử lý thật nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc