Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm cộng tác viên dân số

09:56, 24/05/2018
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là công việc hằng ngày của các cộng tác viên (CTV) dân số trên địa bàn tỉnh. Công việc gian nan, vất vả là thế, nhưng mức đãi ngộ chưa được quan tâm thỏa đáng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đội ngũ này.

Những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Dù địa bàn hoạt động khá rộng, dân cư ở rải rác, đường sá đi lại khó khăn, nhưng suốt 4 năm nay, tranh thủ giờ cơm trưa, buổi chiều tà và buổi tối, khi bà con đi nương rẫy trở về, chị Nguyễn Thị Thoa, CTV dân số thôn Giang Xuân, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng vẫn lặn lội đến từng hộ dân để tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ. Chị Thoa chia sẻ: “Đi tuyên truyền, ngoài những khó khăn trong việc đi lại còn có cả khó khăn khi người dân bất hợp tác. Không phải cứ tìm đến vận động là họ hiểu và chấp hành ngay mà nhiều hộ còn tránh mặt, không tiếp xúc, thậm chí còn có những lời bóng gió rất khó nghe. Đôi khi để vận động được một gia đình thực hiện các biện pháp KHHGĐ, tôi phải đi lại rất nhiều lần mới thành công”.

Xã Ea Đăh hiện có 15 CTV dân số phụ trách 14 thôn với trên 18.000 hộ dân. Để thực hiện tốt công tác truyền  thông DS-KHHGĐ ở xã vùng 3 có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này, đội ngũ CTV dân số đã phải kiên trì tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi dần những nếp nghĩ, hủ tục lạc hậu của bà con, từng bước đẩy mạnh việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ trên địa bàn.

Cán bộ dân số xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) hướng dẫn người dân trên địa bàn  sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.
Cán bộ dân số xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) hướng dẫn người dân trên địa bàn sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.

Cũng có thâm niên gắn bó với công tác dân số, chị H’Yuer Siu, CTV dân số thôn 8, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp đã “thấm” những vui, buồn của công việc này. Biết người dân còn nặng quan niệm “đông con hơn nhiều của”, “nhà có nếp, có tẻ”, chị H’Yuer không ngại khó, bám sát các gia đình đã có từ 2 đến 4 con, nhất là những gia đình sinh con một bề để tuyên truyền, vận động dừng sinh. Thậm chí có gia đình, vợ đã thông suốt và quyết định sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại nhưng lại “vướng” người chồng bất hợp tác, chị phải tiếp tục “gỡ rối”, tỉ tê vận động cho bằng được.

Chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.500 CTV dân số. Cùng với các cán bộ chuyên trách, mạng lưới này đã đóng góp không nhỏ vào thành công của hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cơ sở. Họ luôn có mặt ở tất cả các thôn, buôn, giúp chính quyền các cấp có những số liệu cập nhật về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đồng thời, giúp các cặp vợ chồng có nhận thức và hành vi tích cực về chính sách DS-KHHGĐ. Đặc biệt, vào mỗi đợt chiến dịch truyền thông dân số, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ, đội ngũ CTV đã bám sát địa bàn, không quản nắng, mưa đến từng nhà để tuyên truyền, vận động các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ đến cơ sở y tế thăm khám. Có thể thấy, nhờ đội ngũ này mà nhiều cặp vợ chồng đã tự nguyện áp dụng các biện pháp KHHGĐ, quy mô gia đình ít con ngày càng được người dân hưởng ứng thực hiện, góp phần giảm bớt sức ép về gia tăng dân số, bảo đảm an sinh xã hội.

Cán bộ dân số xã Ea Đăh và cộng tác viên dân số thôn Giang Xuân đến tuyên truyền chính sách Dân số - KHHGĐ cho người dân trên địa bàn.
Cán bộ dân số xã Ea Đăh và cộng tác viên dân số thôn Giang Xuân đến tuyên truyền chính sách Dân số - KHHGĐ cho người dân trên địa bàn.

Đóng góp nhiều, song chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ CTV dân số đang còn hết sức eo hẹp. Ông Mai Văn Phán, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, trước đây, mỗi tháng CTV dân số được chương trình mục tiêu quốc gia về dân số hỗ trợ 100.000 đồng và ngân sách địa phương hỗ trợ 100.000 đồng (khu vực xã vùng 3, vùng biên giới 150.000 đồng). Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên từ năm 2017 đến nay, CTV dân số trên địa bàn chỉ mới nhận được nguồn hỗ trợ của địa phương còn phần hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về dân số bị cắt giảm. Với mức thù lao hằng tháng của mỗi CTV không quá 150.000 đồng, nhiều trường hợp không đủ bù đắp chi phí đi lại để thu thập thông tin số liệu, đi về trạm y tế xã giao ban hằng tháng, ấy là chưa kể đến tiền xăng xe, tiền công để đi tuyên truyền, vận động. Chính vì vậy, hằng năm số CTV thường xuyên có sự thay đổi, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động ở cơ sở.

Thiết nghĩ, để đội ngũ CTV dân số hoạt động ngày càng có hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để họ tích cực hoạt động. Đồng thời có chế độ phụ cấp đãi ngộ hợp lý hơn để mỗi CTV yên tâm công tác, góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Khánh Duy

 


Ý kiến bạn đọc