Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": Những vướng mắc cần tháo gỡ
Làm thế nào để đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở các địa phương đi vào đời sống một cách thực chất và có hiệu quả? Đó là vấn đề nổi cộm được đại biểu 11 tỉnh, thành khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đặt ra tại Hội nghị giao ban Cụm do Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 4 vừa qua.
Loay hoay với các thiết chế văn hóa
Các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở bao gồm: Xây dựng, quản lý, phát huy hiệu quả của hệ thống Nhà văn hóa cộng đồng; hội trường, thư viện, điểm sinh hoạt văn hóa – thể thao; văn bản pháp lý đủ hiệu lực trong việc công nhận danh hiệu văn hóa cho các gia đình, cơ quan, đơn vị tham gia phong trào TDĐKXDĐSVH. Những thiết chế này hiện đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi tại hầu hết các địa phương.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị phản ánh: Cần một nguồn tài chính để giúp các thiết chế văn hóa trên vận hành là một trong những yêu cầu trước tiên. Ví như Nhà văn hóa cộng đồng, hoặc các công trình công cộng khác… được xây dựng lên, trang thiết bị được sắm sửa đầy đủ, nhưng vẫn không hoạt động hiệu quả, thậm chí đóng cửa là do không bố trí được kinh phí cho ban (hoặc chỉ một người) quản lý có trách nhiệm với thiết chế văn hóa ấy. Cái “vướng” nằm ở chỗ các cấp chính quyền, mà trực tiếp là ngành Văn hóa không bảo vệ được nguồn tài chính trước cơ quan có thẩm quyền. Các tỉnh thành như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng… đều có chung “đáp số” - rằng đã đưa vấn đề này lên “bàn nghị sự” của HĐND các cấp, nhưng vẫn không thông qua được vì liên quan đến cơ chế tổ chức (ngành Nội vụ) và văn bản quy phạm pháp luật (ngành Tư pháp) cũng như các cơ quan có trách nhiệm khác.
Hạ tầng giao thông xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) được người dân nâng cấp khang trang từ Chương trình nông thôn mới kết hợp với Phong trào TDĐKXDĐSVH. Ảnh: T.Hồng |
Từ chỗ bất cập ấy khiến mỗi địa phương khắc phục một kiểu theo hướng linh động, phù hợp với điều kiện thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn như Kon Tum, cứ nhằm vào tiêu chí số 6 và 16 (trong bộ tiêu chí Chương trình Nông thôn mới) mà làm trên tinh thần san sẻ kinh phí cho nhau. Có nghĩa là “Tôi (ngành Văn hóa) giúp anh (Nông thôn mới) hoàn thiện và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa đến đâu thì chi kinh phí cho tôi đến đó” – bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở VH-TT-DL, kiêm Phó Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Kon Tum chia sẻ. Cũng nhờ cách làm này nên đã góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trên. Theo bà Trung, mặc dầu đây là giải pháp tình thế, nhưng trước mắt cũng đáp ứng được mục đích, nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho người dân trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn về lâu dài thì mong Bộ VH-TT-DL và các bộ, ngành liên quan có cơ chế, chính sách về tài chính để cùng với chủ trương xã hội hóa sâu rộng trong toàn dân nhằm nuôi dưỡng, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện hữu.
Danh hiệu văn hóa có mang tính hình thức?
Một vướng mắc nữa cũng được nhiều đại biểu tranh biện, khiến hội nghị “nóng” lên, đó là tính thực chất của các danh hiệu văn hóa được cấp thẩm quyền công nhận. Không ít ý kiến cho rằng danh hiệu gia đình, thôn buôn, khối phố, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp được công nhận văn hóa là hình thức, chạy theo thành tích và phong trào, vì thế mất ý nghĩa tác động tích cực đến đời sống xã hội nói chung và trong từng cộng đồng cư dân nói riêng.
Người dân xã Ea Tu – TP. Buôn Ma Thuột đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: T. Hồng |
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, chủ trì Hội nghị giao ban phong trào TDĐKXDĐSVH, khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên
|
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Đắk Lắk dẫn chứng: Có không ít địa phương báo cáo thành tích trong việc xây dựng gia đình, thôn buôn, khối phố văn hóa đạt được với tỷ lệ rất cao, từ 90 – 95%; song trên thực tế, ở đó vẫn thường xuyên xảy ra các tệ nạn xã hội rất đáng quan ngại. Điều đó cho thấy cơ sở và hiệu lực pháp lý để công nhận các danh hiệu trên chưa đủ mạnh và thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, minh bạch. Nhiều đại biểu tỏ ra đồng tình với cách nhìn nhận, đánh giá này của ông Hà và cho rằng phải có quy chế “thưởng phạt” rõ ràng – được công nhận danh hiệu văn hóa thì nêu gương, khích lệ (bằng tinh thần lẫn vật chất), nếu vi phạm thì tước bỏ danh hiệu (đi kèm với việc xử lý hành chính, hay ở mức cao hơn, tùy thuộc vào sự việc), có như vậy thiết chế văn hóa này mới thực chất và có hiệu quả.
Vấn đề đáng nói ở đây là đến nay vẫn chưa có các văn bản pháp quy thống nhất và đầy đủ hiệu lực từ Trung ương đến địa phương nhằm thực hiện cơ chế trên để đưa phong trào đi vào đời sống một cách thiết thực, đồng bộ và toàn diện hơn. Ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương thừa nhận: Hiện phong trào TDĐKXDĐSVH đang được triển khai thực hiện “mỗi nơi mỗi phách” và bị chi phối, dẫn đắt chồng chéo của quá nhiều cơ quan, đơn vị thành viên có thẩm quyền. Từ ngành Văn hóa, Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động cho đến Nội vụ, Công an, Tư pháp, Thông tin - Truyền thông… mỗi cơ quan, đơn vị đều có “quyền cầm trịch” trong việc này, khiến từng “đường đi nước bước” của phong trào trở nên rối rắm. Vì vậy, sự thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt từ các cấp trong chỉ đạo thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay và trong những năm tiếp theo, ông Thắng chia sẻ.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc