Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Khi hội trường tổ dân phố trở thành điểm kinh doanh dịch vụ

07:59, 28/05/2018

Mặc dù là nơi sinh hoạt của tổ dân phố, nhưng vì có vị trí khá thuận lợi nên hiện nay một số hội trường được tổ dân phố cho cá nhân thuê kinh doanh, buôn bán.

Nằm ngay trên mặt tiền đường Phan Chu Trinh với mặt tiền rộng gần gấp đôi các căn nhà trong khu vực, Hội trường Tổ dân phố 1 - phường Thắng Lợi được tận dụng để cho thuê kinh doanh. Toàn bộ không gian sân của hội trường được sử dụng làm quán cà phê. Thời điểm tấp nập nhất là vào buổi sáng, hàng loạt bàn ghế được bày biện tràn ra cả vỉa hè để phục vụ khách. Xe máy của khách để kín phần vỉa hè còn lại, sát tận mép đường. Ngoài quán cà phê, còn có một xe đẩy bán thức ăn tươi sống, một tủ bánh mì cũng bày bán hằng ngày tại đây tạo nên một cảnh tượng hết sức lộn xộn, nhếch nhác giữa khu vực có rất nhiều phương tiện lưu thông.

Không riêng ở phường Thắng Lợi, nhiều địa bàn khác cũng có trường hợp cho thuê một phần diện tích hội trường tổ dân phố làm điểm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhất là ở khu vực các tuyến đường trung tâm. Theo kết quả kiểm tra gần đây của Phòng Quản lý Đô thị TP. Buôn Ma Thuột tại 17 tổ dân phố của các phường: Thắng Lợi, Tân An, Thống Nhất, Tân Thành, Tân Lập, Tân Lợi thì cả 17 hội trường tổ dân phố đều đã từng hoặc đang cho thuê để ở, làm điểm kinh doanh cà phê, giải khát, dịch vụ photocopy, đặt trụ ATM, cửa hàng điện máy... Trong đó, có 7 hội trường đã chấm dứt hợp đồng, 10 trường hợp vẫn đang tiếp tục cho thuê với giá từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/tháng.

Hội trường tổ dân phố 2 phường Thắng Lợi cho thuê kinh doanh dịch vụ.
Hội trường tổ dân phố 2 phường Thắng Lợi cho thuê kinh doanh dịch vụ.

Ông Nguyễn Xuân Nở, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột cho biết, việc cho thuê hội trường tổ dân phố làm ảnh hưởng lớn đến chức năng hoạt động của nơi này, khiến cho nhiều chi hội đoàn thể tại địa phương thiếu nơi sinh hoạt, giảm số lượng các hoạt động tập thể của cộng đồng, ảnh hưởng đến tính trang nghiêm của trụ sở. Hiện nay, Nhà nước vẫn khuyến khích việc xã hội hóa để huy động các nguồn đóng góp từ người dân. Song, nếu thực hiện vận động đóng góp từ nhân dân để xây dựng, sửa chữa hội trường tổ dân phố sau đó cho thuê một phần để tạo nguồn kinh phí thì buộc phải có phương án cụ thể và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai.

Trên thực tế, việc cho thuê hội trường tổ dân phố đã có từ nhiều năm trước và được lấy ý kiến của dân cư trong khu vực. Kinh phí cho thuê được sử dụng vào các mục đích như: hỗ trợ hoạt động của các chi hội đoàn thể không được hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ lực lượng bảo vệ tổ dân phố trực vào ban đêm, thăm hỏi gia đình chính sách, các hộ khó khăn và các trường hợp ốm đau, tang khó; một phần chi cho kinh phí điện nước, sửa chữa hư hỏng bên trong hội trường... Không phủ nhận, việc cho thuê hội trường đã giúp các tổ dân phố chủ động nguồn kinh phí hoạt động thay vì việc phải chờ hỗ trợ từ Nhà nước hoặc trực tiếp vận động nhân dân. Tuy nhiên, nếu xét theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước thì việc này lại trái quy định. Chưa kể đến việc phát sinh tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh, đậu đỗ phương tiện gây mất trật tự đô thị.

Hương Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.