Multimedia Đọc Báo in

Xả nước thải sinh hoạt ra đường phố: Cần mạnh tay xử lý

07:55, 10/05/2018

Tình trạng xả nước thải ra đường phố và hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Mặc dù  thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Đơn cử như một số hộ gia đình, hàng quán ăn uống, điểm rửa xe vẫn có thói quen tùy tiện xả nước thải ra đường phố. Hình ảnh nước thải ứ đọng và chảy thành vệt dài trên các tuyến đường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn không đảm bảo vệ sinh chung; tác động đến đời sống người dân xung quanh khu vực, ảnh hưởng đến hệ thống đường giao thông… Trên một số tuyến đường như: Hùng Vương, Nguyễn Công Trứ, Y Wang… vào tầm 9 -10 giờ sáng vẫn diễn ra tình trạng một số quán ăn dọn rửa chén bát, xoong nồi và vệ sinh bàn ghế xong xả nước thải trực tiếp ra đường phía trước mặt nhà. Rồi trên nhiều đoạn đường khác, một số điểm rửa xe máy tự phát, nhỏ lẻ của các hộ dân cũng vô tư xả nước thải ra đường phố và hệ thống thoát nước mưa mà không qua xử lý.

Bên cạnh đó, tình trạng một số cơ sở kinh doanh, hộ gia đình lợi dụng đêm khuya vắng người để đổ trộm nước thải xuống hố ga thoát nước mưa hay tự ý cắt xẻ vỉa hè để lắp ống đấu nối nước thải từ trong nhà ra ngoài đường phố gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước vào mùa mưa và bốc mùi hôi thối tại các hố ga thoát nước vào những lúc khô ráo cũng đang gây nhiều bức xúc.

Một quán ăn xả nước thải chảy lênh láng trên đường Y Wang.
Một quán ăn xả nước thải chảy lênh láng trên đường Y Wang.

Ông Nguyễn Xuân Nở, Phó Phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: “Hầu hết các trường hợp vi phạm là những hộ kinh doanh quán ăn uống, cà phê, giải khát, rửa xe… tự phát, nhỏ lẻ nên không đầu tư xây dựng đường ống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra đường hoặc xuống hố ga thoát nước mưa. Bên cạnh đó, một số trường hợp là nhà mới xây ở những tuyến đường chưa có hệ thống đường ống xử lý nước thải đi qua; một số thì do nhà ở xây dựng đã lâu, không có hệ thống hầm rút hoặc có hầm rút thì do thường xuyên bị đầy nên đã làm đường ống đấu nối từ hầm rút trong nhà ra đường…”.

 Theo số liệu của UBND TP. Buôn Ma Thuột, hiện thành phố đang quản lý, giám sát công tác vận hành tổng chiều dài đường ống thoát nước thải là 53,862 km, với 388 giếng chuyển hướng, 423 giếng kiểm tra, 504 giếng thăm, 568 hộp xúc rửa, 5.128 hộp nối; đồng thời, quản lý, giám sát công tác vận hành chiều dài tuyến ống thoát nước mưa là 107,527 km; trong đó có 84,913 km đường ống các loại và 23,005 km mương hở thoát nước với 4.240 hố ga, hố thu nước mưa và hệ thống các cửa xả thu nước. Toàn thành phố cũng chỉ mới có khoảng 5.000 hộ kinh doanh, gia đình và trụ sở làm việc thực hiện đấu nối đường ống xử lý nước thải vào Nhà máy xử lý nước thải thành phố.

Một điểm rửa xe tự phát xả nước thải ra đường phố tại ngã ba Đinh Tiên Hoàng và Tán Thuật.
Một điểm rửa xe tự phát xả nước thải ra đường phố tại ngã ba Đinh Tiên Hoàng và Tán Thuật.

Trước thực trạng trên, Đội Quản lý trật tự cảnh quan đô thị thành phố đã phối hợp với các đơn vị có liên quan như: Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường, Cảnh sát môi trường và UBND các xã, phường tiến hành kiểm tra, xử lý không ít trường hợp nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để. Những vi phạm này vẫn thường xuyên tái diễn ngoài nguyên nhân nhận thức của người dân hạn chế, mức xử phạt việc xả thải quá thấp thì còn do lực lượng chức năng vẫn chưa kiên quyết, mạnh tay xử lý.

Thiết nghĩ, để từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng trên, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính thì cần có biện pháp mạnh đối với trường hợp tái phạm nhiều lần. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên quản lý chặt chẽ việc cấp phép cho các cơ sở kinh doanh, buôn bán khi không bảo đảm yêu cầu về hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong quá trình hoạt động; tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm song song với tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, từng bước nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.