Chuyện "9X" làm báo
Với không ít bạn trẻ, nghề báo có sức hấp dẫn đặc biệt. Mỗi khi thấy các anh chị phóng viên, biên tập viên xuất hiện trên ti vi hay đang tác nghiệp tại hiện trường – hình ảnh này luôn lấp lánh trong suy nghĩ của sinh viên báo chí mới ra trường. Song khi “dấn thân” vào nghề lại không đơn giản như những gì đã thấy…
Nhớ lại lúc mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề, lần đầu tiên một mình lái xe máy vượt hơn 100 km về cơ sở lấy tư liệu viết bài, con đường như dài hơn vì trời mưa tầm tã, mưa táp vào mặt đau rát. Con đường ngoằn ngoèo khiến tôi bị lạc, về được đến nhà trời đã tối mịt. Lúc ấy, tôi chỉ biết than: Làm báo... khổ quá!
Chưa kể người mới vào nghề còn vấp phải sự hoài nghi. Không ít lần đi cơ sở, nhiều đồng nghiệp mới vào nghề nhận được cái nhìn đầy ái ngại của nhân vật khi giới thiệu "Em là phóng viên mới". Thậm chí có lần đi tác nghiệp chúng tôi còn bị “làm khó”, “vặn vẹo”, không muốn cung cấp thông tin với lý do: “Còn trẻ, không nhiều va chạm sao có thể truyền tải câu chuyện vào bài viết một cách tốt nhất!”. Những lúc ấy, chúng tôi cảm thấy hoang mang, có ý định bỏ nghề.
Phóng viên trẻ Như Quỳnh trong một dịp tác nghiệp. |
Nhưng sau những chuyến đi cơ sở, được gặp gỡ nhiều người, được “hít thở” không khí của những vùng đất mới khiến chúng tôi yêu nghề từ lúc nào không hay biết. Nếu không có những chuyến đi vất vả ấy làm sao biết được ở vùng đất Tây Nguyên cũng có một làng chài nhỏ với những “ngôi nhà” lênh đênh trên mặt nước, hay ở một địa phương khác người dân hằng ngày phải liều mình “bay” qua sông và ở trên đỉnh núi cao có một thầy giáo miệt mài với công tác nuôi dạy trẻ..., những phận đời, phận người cứ thế được phản ánh trên trang báo. Chúng tôi cảm giác như mình đang được sống nhiều cuộc đời trong một cuộc đời -“đặc ân” của nghề báo!
Là lớp phóng viên trẻ, thỉnh thoảng chúng tôi được nghe các đồng nghiệp lớn tuổi kể chuyện làm báo ngày xưa, ai cũng mắt tròn mắt dẹt, chẳng hiểu vì sao các cô chú lại có thể làm báo được trong điều kiện khó khăn gian khổ như thế. Không như bây giờ, giao thông, phương tiện đi lại thuận lợi, cơ động, hồi ấy các nhà báo đi cơ sở bằng xe đạp, đường sá gồ ghề, lởm chởm. Mỗi chuyến tác nghiệp phải đi 2-3 ngày mới về vì “mỗi lần đi là một lần khó” nên tranh thủ lấy tư liệu để “làm lương khô” phòng lúc mưa gió, ốm đau không đi cơ sở được. Lúc ấy, cũng chưa có máy tính nên phải viết bản thảo bằng tay, máy ảnh không hiện đại, phải chụp cẩn thận sao cho đỡ tốn phim, đỡ tốn tiền rửa ảnh… Còn chúng tôi bây giờ có nhiều thuận lợi hơn, được áp dụng cách làm báo hiện đại. Phóng viên nào cũng có máy ảnh kỹ thuật số, laptop, điện thoại thông minh. Do đó vô tư chụp ảnh cho đến khi nào có được tấm ảnh ưng ý thì thôi, hình nào không đạt thì xóa bỏ. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, Báo Đắk Lắk đưa vào hoạt động hệ thống tòa soạn điện tử, dù đang ở cách xa tòa soạn đến đâu (miễn có Internet) là chúng tôi đều có thể gửi tin, bài, ảnh lên hệ thống để các bộ phận chuyên môn xử lý. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau: “Cái gì không biết thì tra Google” nên mọi thông tin cần tìm hiểu được tiếp cận dễ dàng. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt, chúng tôi xác định phải sử dụng linh hoạt, phù hợp để phát huy lợi ích của công nghệ thông tin để hỗ trợ đắc lực cho công việc để không đánh mất khả năng tư duy nhạy bén và ngòi bút của mình.
Phóng viên trẻ Thùy Linh (bìa trái) đang tác nghiệp tại một mô hình trồng rau ở xã Ea Ral (huyện Ea H’leo). |
Hơn một năm gắn bó với nghề báo, quãng thời gian chưa dài nhưng phần nào chúng tôi đã hiểu những khó khăn đặc thù, gian khó của nghề. Cũng với thời gian, tình yêu với nghề báo cũng lớn dần lên, chúng tôi được đi, được tiếp cận cuộc sống, tìm được cho riêng mình những vẻ đẹp cuộc sống: Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/Mỗi số phận riêng dù rất nhỏ/Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu? (Evgeny Evtushenko).
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc